22/04/2014 - 22:16

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu phí bảo trì đường bộ

Quỹ bảo trì đường bộ TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014. Tham gia hội nghị, các đại biểu chia sẻ các khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô tại thành phố thời gian qua và đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp tăng thu gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền này phục vụ bảo trì đường bộ.

Số phương tiện nộp phí còn thấp

Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ và Thông tư liên tịch hướng dẫn của Bộ Tài chính- Bộ Giao thông vận tải, năm 2013 TP Cần Thơ đã thành lập Quỹ bảo trì đường bộ thành phố (gọi tắt là QBTĐB) và tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện công tác bảo trì đường bộ theo quy định. Sau khi thành lập QBTĐB, TP Cần Thơ đã tiến hành triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô ngay từ tháng 8-2013. Kết quả, trong năm 2013, tổng số phương tiện xe mô tô trên địa bàn thành phố kê khai 245.236 xe, trong đó số phương tiện xe nộp phí là 217.477 xe và 8.724 xe thuộc diện miễn thu phí. Tổng số tiền thu được hơn 18,182 tỉ đồng, trong đó hơn 15,825 tỉ đồng được nộp vào tài khoản Quỹ tại kho bạc và hơn 2,357 tỉ đồng được trích lại cho địa phương theo quy định. Mặt khác, thực hiện Quyết định số 28/QĐ-QBTĐBTW của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương về việc phân chia 35% nguồn thu phí ô tô từ Trung ương cho các Quỹ địa phương năm 2013, TP Cần Thơ được phân bổ hơn 19,337 tỉ đồng.

Thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện tốt sẽ góp phần giúp các địa phương giải quyết khó khăn về vốn khi thực hiện duy tu, bảo trì các công trình đường bộ. Trong ảnh: Con đường liên khu vực 2, 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều đang cần được nâng cấp, sửa chữa.

Theo đánh giá của các ngành chức năng thành phố và địa phương, công tác thu phí có thuận lợi khi được quán triệt, triển khai kịp thời đến cán bộ, người dân và được sự đồng tình trong hệ thống chính trị cũng như trong dân. Tuy nhiên, công tác này còn mới và các biện pháp tuyên truyền, chế tài... chưa được thực hiện mạnh nên số lượng xe mô tô được kê khai và nộp phí sử dụng đường bộ tại thành phố năm 2013 còn đạt thấp và bỏ sót nhiều phương tiện. Cụ thể, tổng số phương tiện được kê khai chỉ đạt khoảng 43,56% trên tổng số phương tiện thành phố quản lý, còn số phương tiện nộp phí chỉ đạt khoảng 38,63%. Việc triển khai thu phí tại các địa phương chưa đồng bộ, công tác báo cáo về QBTĐB thành phố chưa kịp thời. Các địa phương cũng cho biết, do thiếu thông tin và chưa nắm bắt kịp thời các quy định của Nhà nước nên còn lúng túng trong công tác kiểm kê thu phí các phương tiện và thực hiện trích nộp, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được phân bổ. Điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu.

Theo báo cáo của QBTĐB TP Cần Thơ, năm 2013 từ nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ hơn 19,337 tỉ đồng từ nguồn thu phí đối với ô tô, thành phố đã tiến hành duy tu, sửa chữa 5 tuyến đường do thành phố quản lý và hoàn thành các hạng mục công trình trước Tết Nguyên đán 2014. Riêng nguồn kinh phí thu được từ phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trong năm 2013 được triển khai thu và hoàn tất vào thời điểm gần cuối năm nên chưa thể bố trí phân bổ lại ngay cho các địa phương trong năm 2013 để thực hiện duy tu, bảo trì các công trình đường bộ. Dự kiến nguồn kinh phí này sẽ được phân bổ trong năm 2014 cho các địa phương trên địa bàn thành phố với tỷ lệ 90% trên tổng số thu tại địa phương. Song song đó, thành phố cũng triển khai thu phí sử dụng đường bộ năm 2014 đối với xe mô tô ngay từ đầu năm để có thể kịp thời phân bổ cho các địa phương ngay trong năm 2014 phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ.

Năm 2014, QBTĐB thành phố đề ra kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô tại thành phố đạt hơn 20,087 tỉ đồng, tăng hơn 10,5% so với năm 2013. Đến hết quý I/2014, thành phố đã thu được hơn 3,383 tỉ đồng, trong đó quận Ninh Kiều thu được hơn 1,5 tỉ đồng, quận Bình Thủy hơn 408 triệu đồng, quận Cái Răng hơn 206 triệu đồng, quận Ô Môn 150 triệu đồng… Theo phản ánh của các địa phương, mức thu đạt còn thấp do mới vừa thực hiện thu phí của năm 2013 cách đây không lâu, đặc biệt những tháng đầu năm 2014 các địa phương phải tập trung lo bầu trưởng khu vực, trưởng ấp. Trong khi đó, thời gian qua việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô tại các địa phương chủ yếu được giao cho các trưởng khu vực, trưởng ấp kiểm kê lập sổ bộ phương tiện và đến tận nhà dân thu. Song, các địa phương khẳng định sẽ nỗ lực thu phí đạt kết quả cao nhất.

Tăng thu gắn sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Nhiều ý kiến cho rằng, cần khắc phục những hạn chế trong thời gian qua để nâng cao hiệu quả công tác thu phí bảo trì đường bộ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa các công trình đường bộ. Các địa phương cần quán triệt tốt các quy định của Nhà nước về thu phí bảo trì đường bộ để có các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến người dân, giúp người dân tự giác thực hiện. Công tác kiểm kê phương tiện cần được tiến hành đầy đủ chính xác hơn, tổ chức thu tập trung đồng loạt để đạt hiệu quả cao và thực hiện quản lý, sử dụng nguồn tiền này chặt chẽ, đúng quy định. Mặt khác, cần có biện pháp nhắc nhở, chế tài và truy thu đối với các trường hợp không tự nguyện thực hiện nộp phí.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho rằng, các quy định về chế tài việc không thực hiện nộp phí bảo trì đường bộ đã được quy định khá rõ tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật này chưa được đẩy mạnh nên nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế, đây là điều mà Cờ Đỏ xác định cần quan tâm trong thời gian tới. Theo ông Trần Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, để công tác thu phí đường bộ đạt hiệu quả cao, rất cần làm tốt hơn công tác rà soát, kiểm kê phương tiện, đồng thời tăng cường công tác vận động nhân dân để nâng cao nguồn thu. Năm 2013, quận Ô Môn đã thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô đạt 1,2 tỉ đồng và trong năm nay dự kiến thu khoảng 1,7 tỉ đồng. "Ô Môn sẽ tiến hành rà soát lại các phương tiện xe trên địa bàn và tăng cường công tác vận động ra dân để đảm bảo thu đúng và thu đạt cao hơn. Tuy nhiên, địa phương cũng rất cần các cơ quan chức năng cấp trên có các hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định chế tài và truy thu những trường hợp không tự nguyện thực hiện"- ông Trần Văn Tín cho biết.

Quận Kiều Ninh là địa phương có số thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô nhiều nhất tại TP Cần Thơ. Năm 2013, Ninh Kiều thu hơn 4,9 tỉ đồng, trong đó đăng nộp vào Kho bạc hơn 4,41 tỉ đồng và trích để lại đơn vị hơn 490 triệu đồng. Năm 2014, Ninh Kiều thực hiện dự toán thu 5,3 tỉ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành chỉ tiêu này vào cuối quý II/2014. Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, chia sẻ: Phương thức thu phí được quận giao cho phường và phường ủy nhiệm thu cho trưởng khu vực. Đa số người dân đồng tình việc đóng phí bảo trì đường bộ, chỉ có kiến nghị phiếu thu mỏng khó bảo quản cần điều chỉnh. Song, các cán bộ tiếp cận, thực hiện công tác thu chưa có kinh nghiệm và còn gặp khó trong điều tra nắm chính xác số phương tiện tại địa phương nên nguồn thu còn bị bỏ sót. Do vậy, thời gian tới, cần có sự hỗ trợ cung cấp thông tin từ ngành Công an cho các phường nắm rõ số lượng phương tiện xe đang được quản lý tại địa phương để bổ sung hoàn thiện sổ bộ kiểm kê phương tiện. Mặt khác, có giải pháp truy thu đối với những trường hợp chưa nộp, kể cả trong năm 2013.

Đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ TP Cần Thơ nhấn mạnh, thời gian qua các ngành thành phố và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp, tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, công tác kiểm kê phương tiện và thực hiện thu còn đạt thấp so với tổng số phương tiện trên 634.000 xe thành phố đang quản lý. Việc tổ chức thu thông qua ủy nhiệm thu cho các trưởng khu vực, trưởng ấp cũng chưa đạt kết quả tốt. Vấn đề này cần khắc phục để có thể tăng được nguồn thu. Để có thể sử dụng kịp thời và hiệu quả nguồn tiền này, thành phố phải cơ bản hoàn tất việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô vào cuối quý II/2014 theo chỉ tiêu đặt ra và phân bổ ngay kinh phí cho các địa phương thực hiện việc duy tu, sửa chữa các công trình đường bộ, không chờ đến cuối năm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết