14/09/2011 - 13:24

Nỗ lực của Trung Hưng

Công trình xây dựng cầu Mương Dâu ở ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng với kinh phí 147 triệu đồng do nhân dân đóng góp.

Với diện tích nông nghiệp trên 3.127 ha, chiếm trên 90% diện tích đất tự nhiên, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ xác định còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, với quyết tâm cao của các cấp chính quyền địa phương, từng bước tạo sự đồng thuận trong nhân dân, định hướng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả..., Trung Hưng phấn đấu đạt tiêu chí xã NTM vào năm 2013.

* Tạo sự đồng thuận

Trong tiến trình XDNTM, đến nay, xã Trung Hưng đã thành lập Ban quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn xã giai đoạn 2010 -2015 (Ban quản lý). Ban quản lý đã phối hợp với các ngành có liên quan để XD và hoàn thành Đề án NTM; tổ chức phân công thành viên Ban quản lý xã trực tiếp hỗ trợ các ấp triển khai thực hiện chương trình XDNTM... Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, Ban quản lý xã đã tham mưu triển khai đến các ngành, đoàn thể của xã, ấp các văn bản của trung ương, địa phương về XDNTM... Theo đánh giá của UBND xã Trung Hưng: Nhìn chung, sau khi tiếp thu các nội dung liên quan, nhận thức của các cán bộ và nhân dân trên địa bàn về XDNTM đã được nâng lên. Các tiêu chí về NTM đã được phần lớn cán bộ và nhân dân nắm vững; mục đích ý nghĩa của việc triển khai chương trình cũng được xác định và tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân.

Ông Đỗ Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hưng, cho biết: Một trong những chuyển biến rõ nét nhất trong XDNTM ở Trung Hưng là việc người dân cùng tham gia XD cầu, đường giao thông nông thôn. Đầu năm đến nay, dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân trong xã đã đóng góp trên 550 triệu đồng để sửa chữa, bắc mới 55 cầu ván, cầu bê - tông và nhựa hóa, bê tông hóa trên 2.100m đường giao thông nông thôn... Ông Đoàn Văn Niên, tổ phó tổ từ thiện xã Trung Hưng, cho biết: Việc làm cầu, đường giao thông nông thôn người dân trong xã rất đồng tình hưởng ứng. Bởi lẽ, những công trình này trực tiếp phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn... Bên cạnh đó, bằng việc tổ chức triển khai XD nhiều công trình do dân đóng góp tuân thủ khá chặt chẽ, phát huy tốt tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” nên việc xã hội hóa công tác XD nông thôn ở Trung Hưng ngày càng được người dân tin tưởng và hưởng ứng.

* Nhận diện khó khăn

Qua kết quả khảo sát sơ bộ, đến nay, xã Trung Hưng đạt 9/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Theo lộ trình thực hiện, trong năm 2011, Trung Hưng nỗ lực phấn đấu đạt tiêu chí số 1 (về quy hoạch), tiêu chí số 20 (về cung cấp dịch vụ công). Trong năm 2013, xã phấn đấu hoàn thành 9 tiêu chí còn lại và được công nhận xã NTM. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, còn nhiều khó khăn phía trước mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trung Hưng phải đối mặt.

Theo nhận định của UBND xã Trung Hưng, XDNTM là cả một quá trình đầu tư và cần có lộ trình cụ thể để thực hiện từng công trình, phần việc. Đây là chủ trương mới, đòi hỏi mỗi cán bộ và người dân phải có nhận thức sâu sắc về nội dung, ý nghĩa và công việc phải làm. Tuy nhiên, khi triển khai XDNTM, xã ở điểm xuất phát thấp, còn rất nhiều tiêu chí chưa đạt, nhất là về hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế,... Trong khi đó việc triển khai, quán triệt chủ trương XDNTM trên địa bàn xã đến nay chỉ mới đến lực lượng cán bộ và một phần đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân. Vì thế, địa phương cũng gặp khó khăn nhất định trong nhận thức và hành động khi triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban Quản lý xã chưa nhiều nên việc triển khai thực hiện XDNTM còn lúng túng, nhất là xác định nhu cầu vốn để thực hiện chương trình theo từng giai đoạn; việc rà soát đánh giá thực trạng theo 20 tiêu chí của thành phố, xã thực hiện chưa chính xác, chưa phản ánh được đầy đủ và toàn diện thực trạng tại địa phương... Để khắc phục những khó khăn vừa nêu, Trung Hưng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn về XDNTM; triển khai về nội dung, ý nghĩa, mục tiêu, và từng phần việc cụ thể mà địa phương phải làm khi tham gia triển khai thực hiện chương trình. Từ đó, nâng cao nhận thức và sự đồng tình của cán bộ và nhân dân góp phần cùng địa phương tổ chức thực hiện tốt các phong trào. Song song đó, xã từng bước hoàn thiện hệ thống các kế hoạch đề án; tổ chức phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Gắn việc triển khai mục tiêu XDNTM với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2011.

* Nâng cao thu nhập cho người nông dân

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hưng, cho biết: bài toán khó nhất hiện nay trong XDNTM ở Trung Hưng chính là nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bởi lẽ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển chậm, cơ sở sản xuất kinh doanh không nhiều, hộ dân có mức sống khá giàu còn ít, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (toàn xã còn 718 hộ nghèo chiếm 14,66%). Vì thế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia đóng góp thực hiện các tiêu chí trong XDNTM. Để giải quyết bài toán khó này, ngoài việc phân công đảng viên trực tiếp hỗ trợ các hộ thoát nghèo, xã Trung Hưng đã và đang tiếp tục hoàn thiện nhiều mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất của các tổ chức hội, đoàn thể như: trồng rau xanh sạch (Hội Phụ nữ); trồng nấm rơm (Hội Cựu chiến binh); nuôi lươn - rắn giống (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh); 2 lúa - 1 màu và 2 lúa- 1 thủy sản (Hội Nông dân)... Trong số các mô hình vừa nêu, hiện có nhiều mô hình đã và đang cho thu nhập cao như: 2 lúa - 1 thủy sản của hộ Lâm Bé Chính (diện tích canh tác 1,7ha; thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng) ở ấp Thạnh Trung; nuôi rắn giống của hộ Nguyễn Văn Ngói (ấp Thạnh Lợi 2)...

Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người nông dân, ngoài việc củng cố, nâng chất các mô hình hiện có, trong kế hoạch XDNTM, Trung Hưng sẽ XD tổ hợp tác sản xuất lúa 3 vụ ăn chắc với khoảng 100 ha. Ngoài việc sản xuất chuyên lúa chất lượng cao, xã sẽ tiến hành ký kết hợp đồng với một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Dự kiến, mô hình này sẽ được triển khai vào năm 2012 và được xem là thí điểm của Trung Hưng nhằm tiến tới việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trong tiến trình XDNTM. Để các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hưng, kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ triển khai có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết