17/04/2014 - 09:24

Đồng bằng sông Cửu Long

Nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành kinh tế

Ngày 16-4, tại tỉnh Kiên Giang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo "Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh- PCI năm 2013 vùng ĐBSCL". Các chuyên gia phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần trong PCI của vùng và đưa ra những khuyến cáo giúp các địa phương cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cải thiện môi trường đầu tư

Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2013, ĐBSCL có 5/13 tỉnh nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Trong đó, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre là 3/7 tỉnh nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng cả nước. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cho biết: "Nếu phân tích các chỉ số thành phần, các tỉnh, thành ĐBSCL có nhiều bước tiến trên thang điểm PCI. Kiên Giang từ hạng 6 năm 2012 đã tăng lên hạng 3/63 trong năm 2013 và dẫn đầu vùng ĐBSCL. Đặc biệt, về các chỉ số thành phần, Kiên Giang dẫn đầu cả nước về chi phí thời gian với 8,36 điểm, chi phí không chính thức 8,94 điểm và cạnh tranh bình đẳng 8,19 điểm. Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang dẫn đầu về chỉ số năng động 8,06 điểm. Trà Vinh đứng đầu về chỉ số gia nhập thị trường 9,47 điểm và tiếp cận đất đai 8,68 điểm. Về thang điểm PCI, điểm số trung bình của ĐBSCL cao hơn so với bình quân chung cả nước với khoảng cách tương đối tốt. Điều này cho thấy, các tỉnh, thành trong vùng đã nỗ lực đáng kể trong hỗ trợ DN gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, cải cách hành chính, năng động tiếp cận và hỗ trợ DN phát triển".

Các tỉnh thành vùng ĐBSCL đang nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần trong bảng xếp hạng PCI. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Trà Nóc, TP Cần Thơ.

Năm 2013 là năm đột phá của Kiên Giang với kết quả xếp hạng PCI cao nhất từ trước đến nay, các điểm số thành phần được cải thiện, một số chỉ tiêu đứng đầu cả nước. Ông Trần Thanh Mộc, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết: "PCI của Kiên Giang trong những năm gần đây luôn được cải thiện và vươn dần lên thứ hạng cao. Năm 2011, Kiên Giang xếp hạng 28 cả nước; năm 2012 xếp hạng 6 cả nước và hạng 4/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Sang năm 2013, tỉnh Kiên Giang đã quyết liệt chỉ đạo điều hành để đưa PCI của tỉnh đạt thứ hạng cao. Năm 2013, điểm số chung của Kiên Giang là 63,55 điểm, cao hơn năm 2012 là 0,59 điểm, tăng 3 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành. Để đạt được kết quả này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, huyện, thị, thành phố không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trên lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng, thuế,…thực hiện tốt công tác xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp nhất là đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Đứng thứ 3 trong vị trí xếp hạng PCI năm 2013 ở ĐBSCL, Bến Tre là địa phương có bước tiến đáng kể khi tăng 20 bậc, từ hạng 26 của năm 2012 vươn lên hạng 6 năm 2013. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ: Trong giai đoạn 2011-2012, chỉ số PCI của Bến Tre có sự sụt giảm trong khi có nhiều tỉnh, thành đã nỗ lực bứt phá nhanh hơn, cải cách tốt hơn và có nhiều cải thiện trong thực hiện các chỉ số thành phần. Trong giai đoạn này, Bến Tre cũng có cải cách nhưng chậm hơn các tỉnh, thành khác khiến một vài chỉ số thành phần không tăng điểm hoặc điểm số còn thấp như chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành tỉnh cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số thấp hoặc chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt, tỉnh đặt trọng tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, tập trung đầu mối một cửa tại một số cơ quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Trung tâm xúc tiến đầu tư nhằm mục tiêu chung là cung cấp dịch vụ công cho DN, tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch, kinh doanh tại Bến Tre. Nhờ nhận diện được những hạn chế yếu kém và kịp thời khắc phục mà chỉ số PCI của tỉnh năm 2013 có sự chuyển biến tích cực, tạo được lòng tin với nhà đầu tư và DN.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói: PCI là thước đo mức độ hài lòng của DN đối với chính quyền địa phương. Việc phân tích các chỉ số thành phần sẽ giúp các địa phương cùng nhìn nhận những hạn chế yếu kém để nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả. Đối với Kiên Giang, ngoài cập nhật các kết quả đánh giá PCI của VCCI Việt Nam, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Du lịch triển khai khảo sát lấy ý kiến DN trên địa bàn về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong cải cách hành chính liên quan đến DN, nhà đầu tư. Thông qua kết quả này sẽ giúp tỉnh nhận diện rõ hơn các khó khăn của DN, rào cản kinh doanh, những tồn tại trong công tác dịch vụ hành chính công. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ được xem là nhiều áp lực hơn trong việc đạt các điểm số cao trong bảng đánh giá. Những năm qua, chỉ số PCI của thành phố liên tục nằm trong nhóm tốt của cả nước. Năm 2013 có 2 chỉ số thành phần tăng khá cao và vượt bậc so năm 2012 là chỉ số cạnh tranh bình đẳng 7,64 điểm (cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương) và chỉ số hỗ trợ DN 6,23 điểm. Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, mục tiêu của các tỉnh, thành là cải thiện các chỉ số thành phần để tạo điều kiện hỗ trợ cho DN. Song, vấn đề băn khoăn hiện nay là ở các chỉ số thành phần, một số chỉ số giảm điểm mà vẫn đứng ở thứ hạng cao chứng tỏ chất lượng điều hành của các địa phương chưa có sự cải thiện hoặc có chiều hướng giảm sút. Trong cải thiện các chỉ số thành phần, mặc dù các cấp sở ngành có những giải pháp mang tính ưu việt nhưng khi đi vào triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì thế, các tỉnh, thành trong vùng cần tập trung phân tích sâu để tìm nguyên nhân và hướng giải quyết để các chỉ số được cải thiện về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, mục tiêu chung của ĐBSCL là giữ vững thứ hạng, vị trí và hình ảnh của vùng trên bảng xếp hạng năm 2012 và 2013. Các tỉnh, thành cần xem trọng và quan tâm đến kết quả xếp hạng này vì các địa phương sẽ thụ hưởng những lợi ích mang lại từ việc phân tích chỉ số CPI để cải thiện chất lượng và số lượng DN, khả năng mở rộng của các DN. Bởi cải thiện mạnh mẽ về thứ hạng trên bảng PCI sẽ mang lại sự cải thiện hình ảnh địa phương, cải thiện hình ảnh lãnh đạo địa phương, mang lại yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư, hấp dẫn du khách khi đến ĐBSCL. Các địa phương cần cải thiện chỉ số PCI thông qua công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh địa phương, phát huy vai trò của hiệp hội DN, giải quyết các vướng mắc phát sinh, cân bằng các mối quan hệ giữa các nhà đầu tư địa phương với nhà đầu tư mới (chỉ số cạnh tranh bình đẳng) tránh tạo tâm lý bất bình, so sánh. Đánh giá kết quả PCI chủ yếu là DN tại chỗ, các địa phương cần chăm chút cho đầu tư nhưng phải quan tâm đến DN đã hoạt động lâu dài tại địa phương.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Giữ vững thứ hạng, vị trí và hình ảnh của vùng trên bảng xếp hạng PCI

Đó là nhận định của các chuyên gia trong hội thảo "Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh- PCI năm 2013 vùng ĐBSCL" ngày 16-4 tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xếp hạng PCI năm 2013, ĐBSCL có 5/13 tỉnh nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Theo VCCI Việt Nam, trong giai đoạn 2006-2013, các chỉ số thành phần trong PCI của ĐBSCL được cải thiện gồm chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức. Các chỉ số có tốc độ cải thiện chững lại như chỉ số cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, chi phí thời gian. Nhận định từ các đại biểu tham dự hội thảo, dù có một số chỉ số thành phần trong PCI của ĐBSCL chững lại song việc giữ vững thứ hạng, vị trí trên bảng xếp hạng là nỗ lực đáng ghi nhận.

Chia sẻ bài viết