15/03/2009 - 20:28

Niềm vui ánh sáng!

Chúng tôi cùng đoàn y bác sĩ Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt (BV M-RHM) Cần Thơ đến thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang vào những ngày đầu tháng 3-2009. Cũng như hàng chục chuyến đi trước đây, hôm nay đoàn sẽ phẫu thuật đục thủy tinh thể (ĐTTT) cho bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Mỗi chuyến đi đều đem lại cho chúng tôi một cảm nhận khác về công việc và tấm lòng của những y, bác sĩ...

Chuẩn bị chu đáo

Mới gần 5 giờ sáng, tôi có mặt ở điểm xuất phát tại BV M-RHM Cần Thơ, thì các thành viên trong đoàn đã có mặt đông đủ. Thuốc, dụng cụ phẫu thuật... được chuyển lên xe từ sớm. Đúng 5 giờ, đoàn xe lăn bánh. Thị xã Ngã Bảy chỉ cách TP Cần Thơ 30 km. Đi được nửa đường, đoàn dừng xe tranh thủ ăn sáng, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV M-RHM Cần Thơ hối: “Anh em ăn nhanh, đến điểm là tổ chức khám ngay để bệnh nhân khỏi đợi”.

Mới hơn 6 giờ, đoàn đã đến Bệnh viện Đa khoa Ngã Bảy. Tất cả thành viên trong đoàn từ bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm đến tài xế, thợ chụp hình đều nhanh chân xuống xe khiêng thùng thuốc, dụng cụ phẫu thuật, ghế... Trong khi đó, điều dưỡng Nguyễn Thanh Hằng và bác sĩ Trần Thị Bình, phòng khám Mắt, Bệnh viện Đa khoa Ngã Bảy nhanh chóng xuống các phòng gọi bệnh nhân lên khám mắt.

Đoàn y, bác sĩ tổ chức phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể bằng máy Phacô. 

Bác sĩ Trần Thị Bình đọc tên, sắp xếp bệnh nhân ngồi thứ tự. Bác sĩ Hoàng Quang Bình và bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, BV M-RHM Cần Thơ, tranh thủ khám mắt cho từng bệnh nhân. Một số bệnh nhân lớn tuổi, bị ĐTTT đã lâu được các bác sĩ khám đi khám lại nhiều lần. Sau đó, điều dưỡng Lê Thị Mai nhanh nhẹn phát thuốc cho từng bệnh nhân uống trước khi vào phòng gây tê. Các gói thuốc đều được chia phần, vô bọc trước.

Bệnh nhân được chia làm hai tốp để phẫu thuật. Hầu hết bệnh nhân đều là người già, trẻ nhất cũng 44 tuổi, cao tuổi nhất là cụ bà năm nay đã 88 tuổi. Họ là những người đã dành cả một thời thanh xuân lam lũ, vất vả vì con cháu, nhưng vẫn không thoát ra được cảnh nghèo khó. Khi tuổi xế chiều, căn bệnh ĐTTT lại đeo bám. Có bệnh nhân bị mờ một mắt, cũng có người mờ cả hai mắt. Nhiều bệnh nhân do hoàn cảnh khó khăn nên bị ĐTTT đã lâu mà không có tiền để chữa. Hỏi thăm các bệnh nhân, mỗi người đều có những hoàn cảnh hết sức éo le: Có người đã ngoài 60 tuổi nuôi con bị bệnh tâm thần, có người nương tựa nơi chùa, có người phải làm thuê nuôi cháu... cũng có người mới ngoài 40 tuổi, là lao động chính trong gia đình, mắc bệnh ĐTTT, không lao động được, con cái có nguy cơ bỏ học.

Do mắt kém nên các bệnh nhân được các cô điều dưỡng, hộ lý dắt, đỡ lên giường nằm để gây tê. Trong phòng gây tê, điều dưỡng Lê Thị Mai liên tục hỏi: “Ông (bà) có cảm thấy khó chịu không? Có gì thì nói cho con biết nhé!”. Gây tê xong, các cô điều dưỡng, hộ lý dắt các cụ sang phòng mổ. Trong phòng, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, bác sĩ Hoàng Quang Bình, phụ mổ Nguyễn Thị Thùy Linh đã sẵn sàng đón bệnh nhân.

Chung sức chăm lo người nghèo

Mỗi ca phẫu thuật thực hiện bằng máy pha cô chỉ mất 15 phút, ca mổ thường mất khoảng 30 phút. Bệnh nhân Bùi Thị Tốt phẫu thuật xong trước, được cô hộ lý dìu ra trong sự vui mừng, háo hức của người thân. Mỗi bệnh nhân đều được chụp một tấm hình kỷ niệm để gởi cho các nhà hảo tâm. Cụ Bùi Thị Tốt, 74 tuổi, cười móm mém nói với con gái: “Bác sĩ mổ nhẹ nhàng lắm, không đau chút nào. Mắt sáng lại, mừng còn hơn được sinh ra lần nữa”. Bà Tốt sống một mình, tự tay làm công việc nhà, trồng dừa, trồng chuối bán kiếm tiền mua gạo ăn. Hơn một năm nay, mắt bà mờ dần, không thấy đường đi nên bị té mấy lần, sưng tay chân, bầm cả mặt. Đi khám, bác sĩ nói bà bị ĐTTT, phải mổ chi phí tốn khoảng 2 triệu đồng. Không có tiền đi phẫu thuật, bà đành chịu cảnh tối tăm. Bà Bùi Thị Tốt xúc động nói: “Từ lúc bị mờ mắt, hàng ngày, cháu nội qua nhà nấu cơm, làm việc nhà giúp. Mai mốt mắt tôi sáng lại, khỏi phiền con cháu nữa”.

Các ca mổ đều do bác sĩ Hoàng Quang Bình mổ chính, điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Linh phụ mổ. Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm liên tục khám mắt, rồi kiểm tra bệnh nhân được gây tê và đứng cạnh bác sĩ Bình quan sát mổ... đến 12 giờ trưa, 13 trong số 31 bệnh nhân đã được phẫu thuật xong. Các y, bác sĩ chia ca nhau để ăn cơm. Hai bác sĩ mổ mà chỉ có một phụ mổ nên điều dưỡng Linh không nghỉ ăn cơm, cô ngồi tiếp tục phụ mổ cho bác sĩ Liêm.

Đến 4 giờ 30 phút chiều, 31 ca mổ đã hoàn thành. Ở bệnh viện, thông thường mỗi bác sĩ chỉ mổ vài ca/ngày. Nhưng khi tham gia mổ từ thiện, có đợt chỉ 1-2 bác sĩ đi mà mổ hàng trăm ca. Anh Dũng, thợ chụp hình đi theo đoàn kể: “Mấy lần đoàn đi phẫu thuật ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long... thường phải đi từ 2-3 giờ sáng. Bệnh nhân đông nên bác sĩ ngồi mổ suốt, không nghỉ trưa, không ăn cơm, đói thì uống sữa. Nhiều hôm về đến Cần Thơ đã 2-3 giờ sáng. Các y, bác sĩ tranh thủ nghỉ một chút rồi vào bệnh viện làm tiếp”. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một Việt kiều đã hỗ trợ cho chương trình từ thiện này nhiều năm, nói: “Tôi nhiều lần hỗ trợ cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ và BV M-RHM Cần Thơ tổ chức phẫu thuật ĐTTT cho người nghèo. Các bác sĩ làm việc rất tận tâm, ân cần, có tinh thần trách nhiệm cao nên tôi rất yên tâm”.

Các bác sĩ đi theo đoàn, ngoài tiền công tác phí không có thêm chế độ gì nhưng ai cũng vui. Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm nói: “Mỗi bệnh nhân đến bệnh viện mổ pha cô thì mất 3 triệu đồng, mổ thường cũng mất cả 1,5 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí đi lại, ăn ở. Bệnh ĐTTT là bệnh phổ biến ở người già. Người nghèo biết tìm đâu ra mấy triệu đồng để đi mổ mắt. Chương trình này thực sự đem lại niềm vui cho những bệnh nhân nghèo. Đợt phẫu thuật này, kinh phí phần lớn do nhà tài trợ và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ hỗ trợ, còn lại Bệnh viện Đa khoa Ngã Bảy miễn phí khám sàng lọc, tiền giường, vật tư y tế; BV M-RHM Cần Thơ thì xuất kinh phí trả tiền xăng, xe, công tác phí cho y bác sĩ... mỗi đơn vị hỗ trợ một chút giúp bệnh nhân nghèo tìm lại được ánh sáng”.

Triển khai ở ĐBSCL hơn chục năm nay, mỗi năm, chương trình đem lại ánh sáng cho vài ngàn bệnh nhân nghèo ở khắp các tỉnh, thành. Chương trình do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh; BV M-RHM Cần Thơ; Hội Rhône MeKong (Pháp); Hội SAP.VN (Mỹ) cùng Việt kiều như ông Võ Văn Tám, ông Trần Mạnh Tiến... hỗ trợ. Năm 2008, chương trình đã phẫu thuật ĐTTT cho 2.315 bệnh nhân ở 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và tỉnh Congpong Chnang của nước bạn Campuchia. Mỗi lần có nhà tài trợ là BV M-RHM Cần Thơ lập tức liên hệ các bệnh viện huyện, quận ở các tỉnh (ưu tiên cho xã vùng sâu) lập danh sách, khảo sát phòng mổ, lượng bệnh, các điều kiện hỗ trợ... sau đó mới tổ chức phẫu thuật.

Bác sĩ Trần Thị Bình, Bệnh viện Đa khoa Ngã Bảy nói: “Để có được một đợt phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân nghèo, chúng tôi phải liên hệ bệnh nhân, các trạm y tế xã, phường từ 2 tháng trước. Sau đó, khám sàng lọc, làm bệnh án trước cho bệnh nhân. Trước ngày phẫu thuật một ngày, tập trung bệnh nhân lên bệnh viện để xét nghiệm đường huyết, điện tim, khám nội tổng quát và hội chẩn phẫu thuật. Hiện nay, bệnh viện đang quá tải nhưng Ban Giám đốc vẫn cố gắng sắp xếp để có 31 giường cho bệnh nhân nằm”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm nói thêm: “Bệnh ĐTTT là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở Việt Nam. Mỗi lần có đợt mổ miễn phí, các y, bác sĩ rất cực nhưng đều rất vui khi nghĩ tới ngày mở băng mắt ra, bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh sáng. Nhiều người thoát cảnh tăm tối mừng quá ôm lấy bác sĩ mà khóc. Nhớ đến giây phút ấy, chúng tôi không ai bảo ai đều cố gắng hết sức mình cùng các nhà hảo tâm, tích cực tham gia chương trình đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết