12/10/2016 - 22:41

Niềm tin và kỳ vọng

Trong những ngày này, trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra các hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng Ngày hội lớn của giới: Đại hội đại biểu (ĐHĐB) Phụ nữ TP Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2021. Trước thềm ĐH, phóng viên Báo Cần Thơ có dịp gặp gỡ, ghi nhận một số ý kiến, sự kỳ vọng của các cô, các chị đại diện cho các tầng lớp phụ nữ trong thành phố gởi gắm đến ĐH…

*Bà Lê Minh Châu, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cần Thơ:
PHÁT HUY VAI TRÒ ĐIỂM TỰA CỦA TỔ CHỨC HỘI

Qua theo dõi quá trình phát triển của Hội, tôi nhận thấy các phong trào của Hội LHPN thành phố ngày càng đi vào chiều sâu. Hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp chị em tham gia vào tổ chức Hội có nhiều hình thức phong phú. Công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống, giúp chị em nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, bộ máy hoạt động tổ chức Hội chặt chẽ, trình độ học vấn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ Hội các cấp ngày càng cao hơn so với các thời kỳ trước.

Tôi rất đồng tình, thống nhất cao với chủ đề "Phụ nữ Cần Thơ Đoàn kết - Đổi mới – Bình đẳng – Phát triển" của ĐHĐB Phụ nữ TP Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Mong rằng, đội ngũ Ban Chấp hành mới sẽ tiếp tục trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ công tác; phát huy năng lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phụ nữ. Để phát huy vai trò là điểm tựa tin cậy của hội viên, nhiệm kỳ tới, các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố chất lượng hoạt động ở các Chi, tổ Hội; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện phát triển tại từng nơi, từng vùng; quan tâm bồi dưỡng trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở;… Qua đó, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

* Bà Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cần Thơ:
CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG NHIỀU MÔ HÌNH THIẾT THỰC, THU HÚT ĐÔNG ĐẢO HỘI VIÊN THAM GIA

Nhiệm kỳ 2011-2016, Hội LHPN TP Cần Thơ đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phụ nữ các cấp. Chất lượng sinh hoạt của các Chi, tổ Hội, công tác phát triển hội viên, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ Hội ngày càng được nâng lên. Công tác chăm lo đời sống, giúp hội viên nâng cao thu nhập được các cấp Hội Phụ nữ đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, phong trào "Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững" ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều mô hình thiết thực.

Trong nhiệm kỳ mới, các cấp Hội Phụ nữ thành phố cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ; làm tốt hơn vai trò tham mưu cho Đảng về công tác cán bộ Hội, cán bộ nữ; tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội ở cấp cơ sở. Các cấp Hội cần chú trọng xây dựng nhiều mô hình, loại hình tập hợp, thu hút phụ nữ đến với Hội. Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng thêm các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện hội viên, tuyên truyền cho chị em về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ý thức sản xuất các thực phẩm sạch, chất lượng cao để đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế.

Các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu trong công tác VSTBPN quận Ninh Kiều năm 2015 được nhận Giấy khen của UBND quận. Ảnh: P. LAM

* Bà Phan Thị Hồng Nhung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung Ương
MTTQVN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ:
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI

Nhìn lại nhiệm kỳ 2011 – 2016, tôi vui mừng khi thấy các cấp Hội đã duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động ở mọi lĩnh vực. Phấn khởi nhất là ngày càng có nhiều mô hình giúp phụ nữ làm kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Cần Thơ ngày càng phát huy tính thiết thực, hiệu quả. Hội đã thành lập được CLB Nữ doanh nhân của thành phố, một loại hình hoạt động thật sự thu hút các chị em nữ ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Các nhiệm kỳ qua, trình độ học vấn, chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Hội ngày càng được nâng cao. Theo tôi, Hội cần chú trọng hơn nữa để làm lan tỏa sức mạnh của giới bằng chính những hoạt động ngày càng sâu, rộng của mình vì sự tiến bộ của phụ nữ. Để làm được điều đó, Hội nên tập hợp phụ nữ ở tất cả các lĩnh vực vào Hội và có định hướng thế mạnh của phụ nữ từng lĩnh vực mà xây dựng nhiều loại hình hoạt động phù hợp. Bên cạnh đó, tôi mong muốn Hội đầu tư nhiều hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, cán bộ nữ để người cán bộ Hội, cán bộ nữ của TP Cần Thơ thật sự "Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch" theo tiêu chí của người Cần Thơ mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã nêu.

*Bà Trương Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TP Cần Thơ:
QUAN TÂM, TẠO ĐIỀU KIỆN MỌI MẶT ĐỂ CHỊ EM PHÁT HUY NĂNG LỰC, SỨC CỐNG HIẾN

Trong sự phát triển chung của thành phố, thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ, vai trò nòng cốt của Hội LHPN các cấp. Riêng trong lĩnh vực y tế, lực lượng nữ chiếm trên 60%. Chị em đã nỗ lực vượt khó, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực y tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân do điều kiện học tập, công tác ở những vị trí đặc thù còn hạn chế so với nam giới. Trong khi đó, chị em phải vừa đảm đương công việc gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con… có phần ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu, phát triển nghề nghiệp của chị em.

Tôi mong rằng, thời gian tới, thành phố, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các cấp Hội LHPN tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nêu cao vai trò của phụ nữ, tham mưu, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt để chị em phát huy tối đa năng lực, sở trường, hoàn thành tốt công tác chuyên môn, xây dựng gia đình hạnh phúc… Cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với lực lượng nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động đến tuổi hưu nhưng có trình độ chuyên môn cao, còn sức cống hiến nói chung và ngành y tế nói riêng.

*Chị Nguyễn Thị Xuân Thêm, Bí thư Chi đoàn khu vực Thạnh Thuận,
phường Phú Thứ, quận Cái Răng:
NÂNG CAO KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CHO NỮ THANH NIÊN

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giới nữ nói chung, nữ thanh niên nói riêng có điều kiện phát huy năng lực, sở trường, nâng cao vị trí, vai trò của mình, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên trong công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ, nhất là phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị vẫn còn hạn chế. Tôi mong muốn thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bình đẳng giới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Tôi hy vọng ĐH sẽ bầu chọn những đồng chí đủ đức, đủ tài, có nhiều tâm huyết với phong trào phụ nữ; đồng thời, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sát hợp; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với từng đối tượng; xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần hội viên; tăng cường hơn nữa các biện pháp phối hợp với Đoàn Thanh niên trong công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nhất là các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, xây dựng, tổ chức cuộc sống gia đình…

*Chị Dương Thị Mạnh, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ:
CHĂM LO, HỖ TRỢ PHỤ NỮ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG

Là cán bộ Hội nhiều năm gắn bó với công tác Hội và phong trào phụ nữ ở địa bàn nông thôn, tôi nhận thấy một trong những nhu cầu bức thiết của chị em là việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian qua, tuy được sự quan tâm của các cấp, các ngành và tổ chức Hội nhưng nhìn chung đời sống chị em phụ nữ vùng ngoại thành, vùng có đông phụ nữ dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn. Chị em ít có điều kiện tham gia và thụ hưởng các hoạt động văn hóa, thông tin, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Thời gian tới, tôi mong muốn các cấp Hội LHPN tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là các kiến thức về luật pháp, hiểu biết các vấn đề xã hội; tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi; tăng mức hỗ trợ học nghề cũng như có chính sách hỗ trợ thiết thực chị em sau đào tạo nghề; thành lập nhiều mô hình, tổ liên kết, hợp tác sản xuất để chị em yên tâm lao động, ổn định đầu ra cho sản phẩm; quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường ở địa bàn nông thôn; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, can thiệp làm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế…

QUỲNH LAM- HỒNG VÂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết