03/01/2008 - 10:57

Niềm tin trên đất lành...

Chị Nguyễn Thị Miền, ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng trông giản dị như cái tên của mình. Ẩn trong dáng dấp nhỏ nhắn nhưng khỏe khoắn, nước da bánh ít mặn mòi là tấm lòng vị tha, thương khó, hết lòng chăm lo cho mái ấm gia đình. Dường như với chị, mọi khó khăn đều phải lùi bước...

Đất lành, chim đậu

Chị Miền bên luống rau muống cải thiện bữa ăn gia đình.

Chị Miền bảo quê chị là một làng quê nghèo của tỉnh Hưng Yên. Gia đình chị có 9 người, sống nhờ huê lợi từ vài sào ruộng. Khi các anh chị lớn lập gia đình, chị Miền thành chị cả, học hành dở dang, phải tảo tần hôm sớm phụ tiếp cha mẹ nuôi nấng các em. Thương cha mẹ, chị Miền gánh vác hết mọi việc trong nhà, cắc củm từng đồng để các em được no cơm, ấm áo đến trường. Đến giờ trong ký ức của chị vẫn hiện rõ cảnh những tối gió giông, cha xa nhà đi làm mướn, mẹ con chị hè hụi cột ràng, chống đỡ căn nhà trong lo sợ phập phồng. Vẻ âu lo của mẹ, nét mặt sợ hãi của các em đã hình thành trong chị một quyết tâm: Phải thoát khỏi cảnh nghèo.

Năm 19 tuổi, chị Miền lập gia đình với anh Nguyễn Thế Điềm đang phục vụ trong quân ngũ. Là con dâu cả, chị Miền lại tiếp tục quán xuyến, gánh vác giang sơn nhà chồng, thức dậy từ 4, 5 giờ sáng và kết thúc công việc lúc đêm khuya. Cuối năm 1986, anh Điềm xuất ngũ và năm 1987 - 1988, hai cháu Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Thị Tuyến lần lượt ra đời. Anh Điềm - chị Miền chí thú làm ăn nhưng cuộc sống gia đình vẫn rất khó khăn vì “thêm miệng ăn, thêm mối lo nhưng đất đâu có nở ra”. Nhắc lại quá khứ, giọng chị Miền đượm buồn: “Có khi cả tháng trời, cả nhà không ăn được thịt heo, cứ rau luộc, nước tương. Tôi nghĩ: mình sao cũng được, nhưng thương các con quá...”.

Chị Miền kể rằng bước ngoặt quyết định cuộc sống gia đình chị là chuyến vào Nam năm 1995 thăm họ hàng bà con. Khi trở về, chị bàn bạc với chồng kế hoạch vào Nam lập nghiệp. Một ngày nắng đẹp năm 1997, gởi 2 con nhỏ cho ông bà nội, vợ chồng chị Miền xuôi Nam, với quyết tâm tạo lập cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Anh chị dừng chân ở Củ Chi, nơi có họ hàng đã vào mấy năm trước đang sinh sống, làm ăn. Dốc lưng vốn ít ỏi, anh chị Miền thuê nhà ở, theo chân họ hàng đi tìm việc. Anh Điềm xin được “chân” phụ hồ, chị Miền thì ai kêu gì làm nấy, không nệ hà ngày đêm, mưa nắng. Sau hơn 2 năm làm việc cật lực, dè xẻn, dành dụm, anh chị có được hơn 1 lượng vàng. Ngày đón 2 con vào Nam, anh chị quyết định: Về vùng Tây Nam Bộ và chọn phường Thường Thạnh để thực hiện giấc mơ “an cư lạc nghiệp”.

Dấu ấn hạnh phúc

“Đất lành chim đậu”, chị Miền khó thể quên tâm trạng bồi hồi xúc động trước thịnh tình của bà con ở khu vực Thạnh Mỹ này. Ngay buổi sơ giao, ông Năm hàng xóm đã cho vợ chồng chị mướn đất dựng nhà ở. Anh hai của chị Miền, lập gia đình và vào Nam đã lâu, hướng dẫn và cho mượn thêm vốn mở cơ sở chà gạo gần mé sông. Thời gian đầu, chỉ có người dân địa phương đến chà gạo. Về sau, nhờ cung cách làm ăn thật thà, chất phác, giá cả phải chăng nên lượng khách đông dần. Chị kể, đêm 29 Tết năm 2006, do sự cố máy móc, cơ sở chà gạo của chị chẳng may bị cháy rụi. Sáng sớm, bà con trong xóm đã đến hỏi thăm, phụ tiếp thu dọn. Ông Năm còn gợi ý cho mượn tiền để dựng lại cơ sở... Nghĩa cử đó khiến anh chị rất xúc động.

Thấy vợ chồng chị chí thú làm ăn, ông Năm bảo chị xây thêm chuồng nuôi heo để có thêm thu nhập. Đầu tiên, chị Miền nuôi 2 heo nái, heo đẻ bao nhiêu con chị để lại nuôi hết. Chị Miền cho biết: “Mấy đợt đầu chưa quen khí hậu, đất đai ở đây, nên cứ thất bại. Có lần, tôi chủ quan không đề phòng dịch bệnh nên heo chết hơn nửa bầy”. Chị Miền không nản lòng, từ từ rút kinh nghiệm và gầy bầy khác. Dần dần, chị Miền nổi tiếng ở xóm này vì nuôi heo khá “mát tay”.

Năm 2005, chị Miền mua được 1 công đất cất nhà và tăng gia sản xuất. Chị xây dựng mô hình sản xuất liên hoàn: Mỗi năm, chị mua 3-4 tấn lúa, nghiền thành cám để dành nuôi heo. Dưới chuồng, chị đào ao, tận dụng phân heo nuôi cá trê. Chị Miền còn trồng hơn 20 gốc xoài, nhãn, nuôi thêm vài chục vịt, gà đẻ... có huê lợi đều đặn hàng năm. Nhẩm tính các khoản thu nhập, chị Miền cho biết: Mỗi năm kiếm được gần trăm triệu đồng. Chị tận dụng đất quanh bờ ao trồng các loại rau phục vụ các bữa ăn, vừa tiết kiệm ngân quỹ gia đình, vừa đảm bảo có nguồn rau an toàn.

Trò chuyện với tôi đã quá trưa, trong chuồng, đàn heo gần 20 con vỗ máng đòi ăn. Chị Miền lăng xăng quậy cám, đổ vào máng. Xong chị quay sang giật máy bơm nước dưới ao lên dội chuồng, tắm heo. Rũ nước lướt thướt trên người, chị Miền khoe: “Tuần rồi, tôi vừa “xuất chuồng” 7 con heo thịt được 23 triệu đồng. Chuồng này là con heo nái chuẩn bị đẻ, chuồng kế bên là bầy heo gần chục con, trên 100 kg/con. Tôi “nán” đến gần Tết mới rã bầy, sẽ được giá hơn”.

Có được ngày hôm nay, ngoài sự chăm chỉ, cần cù, chị Miền còn nhờ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ. Năm 2004, chị tham gia sinh hoạt Hội và được vay vốn sản xuất. Nhờ số vốn này từ 7 triệu đồng lúc đầu và hiện nay là 12 triệu đồng chị xoay xở việc làm ăn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiệt tình, uy tín, chị Miền được chị em tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm phụ nữ tiết kiệm (PNTK). Buổi họp nhóm PNTK lúc nào cũng rôm rả, sinh động, nhất là phần trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Không chỉ động viên các thành viên của nhóm làm ăn, chị Miền còn sẵn lòng truyền kinh nghiệm sản xuất cho chị em. Chị Tuyết Hồng, thành viên nhóm PNTK này, cho biết: “Chị Miền chăm làm lại biết tiết kiệm chi tiêu nên khá lên chẳng mấy hồi. Chị rất vui vẻ, hòa đồng với chị em...”. Trong 2 năm 2006- 2007, chị Miền và tập thể nhóm PNTK nhận được giấy khen của Hội Phụ nữ quận Cái Răng về thành tích hoàn thành xuất sac công tác Hội.

Chị Miền còn có niềm vui khác là ở xóm, ai cũng khen các con của chị chăm chỉ, ngoan ngoãn. Khi các con còn nhỏ, chị đã rèn các con ý thức tự giác trong học tập, phụ tiếp việc nhà, không đợi cha mẹ sai bảo, nhắc nhở. Thương nhất là cháu Tuyến, 6 tuổi đã biết lặt rau, nấu cơm, lớn thêm chút nữa thì dọn chuồng, cho heo ăn. Bây giờ thì đảm đang việc nhà khi mẹ bận công tác đột xuất. Tuyến cho biết: “Năm nay, cháu cố gắng đậu tốt nghiệp và thi vào đại học kinh tế”. Không có điều kiện theo các khóa luyện thi, Tuyến đăng ký học tại trường và tự học qua sách vở, tài liệu. Chị Miền hớn hở khoe: Cháu Trung đã hoàn tất thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Trong thời gian chờ chuyến bay, Trung đang theo học nghề dệt ở TP Hồ Chí Minh.

Cả nhà chị Miền quây quần quanh mâm cơm chiều, giản dị nhưng tươm tất và ấm áp. Tuy cuộc sống đã ổn định, việc làm ăn thuận lợi, trôi chảy, nhưng chị Miền cho rằng mình vẫn còn nhiều việc phải lo. Chị Miền nói: “Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để cố gắng làm ăn, tạo điều kiện cho các con học hành, đỗ đạt. Mình khổ cực nhiều là để mở ra tương lai tươi sáng cho các con”.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết