11/07/2014 - 15:13

Những phong cách truyền thống bị “khai tử” tại World Cup 2014

World Cup Brazil 2014 đã chứng kiến sự xuất hiện nhiều phong cách mới, lối chơi mới, và cả sự biến mất của những chiến thuật từng "làm mưa làm gió" ở các kỳ World Cup trước.

Không còn đội bóng nào sử dụng sơ đồ chiến thuật với 2 tiền vệ trung tâm tại World Cup năm nay. Còn nhớ, tất cả 4 đội vào bán kết World Cup Nam Phi năm 2010 là Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Uruguay đều sử dụng 2 tiền vệ ở giữa sân. Với 3 đội bóng châu Âu là sơ đồ 4-2-3-1, còn Uruguay là 4-4-2. Nổi bật nhất là bộ đôi tiền vệ trung tâm Xabi Alonso và Xavi Hernandez của Tây Ban Nha được xem như điển hình cho sự kết hợp hiệu quả giữa sức mạnh, kỹ thuật, sự chính xác trong đánh chặn và phát động tấn công. Chiến thuật này, Tây Ban Nha đã thành công hơn 10 năm qua, nhưng hiện không còn thích hợp với sự sa sút phong độ của các cầu thủ. Hơn nữa, các đội bóng cũng nhận ra 2 tiền vệ trung tâm đá ngang nhau có thể "dư thừa" khi có 3 tiền vệ khác hoạt động xung quanh. Đội tuyển Anh cũng đã từ bỏ cách bố trí này khi chỉ sử dụng một mình Steven Gerrard hoặc Frank Lampard trong đội hình xuất phát.

Thomas Mueller (trái) đá lùi phía sau nhưng đã ghi được 5 bàn thắng tại World Cup. Ảnh: Getty.

 

Lối chơi 1 tiền đạo với 3 tiền vệ hỗ trợ phía sau theo sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 đã phơi bày những hạn chế. Thay vào đó, các đội bóng kéo chân sút chủ lực đá lùi phía sau như cách mà Anh, Brazil, Argentina thực hiện khi bố trí Wayne Rooney, Neymar, Lionel Messi trong đội hình ra sân tại World Cup năm nay. Chính sự thay đổi chiến thuật đó đã "khai tử" vai trò của "số 9" truyền thống, vị trí trung phong cắm. Trước đây, các cầu thủ mang áo "số 9" chơi cao nhất ở trung lộ, vừa tác chiến độc lập tự ghi bàn vừa "làm tường" phối hợp với đồng đội. Đó là những tiền đạo ghi bàn chủ lực, cầu thủ dứt điểm hay nhất trong đội như Ronaldo "béo" của Brazil, Inzaghi của Ý hay Alan Shearer của Anh... Tại World Cup năm nay, các trận đấu diễn ra hấp dẫn với lối chơi tấn công rực lửa có tỷ số khá cao với bình quân 2,7 bàn/trận, nhưng những tiền đạo giỏi nhất đội như Robin van Persie, Karim Benzema, Neymar và Messi, không còn là trung phong cắm cổ điển, mà đá thấp phía sau. Các cầu thủ mang áo số 9 hiện nay không phải là cây săn bàn chủ lực mà làm vai trò lôi kéo hậu vệ đối phương, tạo khoảng trống cho đồng đội. Tiền đạo Fred của Brazil được phép di chuyển rộng và nhiệm vụ của anh không chỉ ghi bàn mà còn giữ bóng và chuyền cho Neymar. Tương tự tiền đạo Gonzalo Higuain ở đội Argentina cũng thường dạt biên để Messi có cơ hội đột nhập từ trung lộ. Đức cũng đã từ bỏ vai trò của "số 9" truyền thống khi yêu cầu chân sút chủ lực Thomas Mueller lùi về phía sau. Colombia vắng mặt "số 9" Radamel Falcao do chấn thương, nhưng đội bóng này đã có tài năng trẻ James Rodriguez thay thế và cũng đảm nhận vai trò lùi phía sau Juan Cuadrado.

Bóng đá tấn công lên ngôi, đồng nghĩa với bóng đá phòng ngự suy tàn. World Cup 2014 không còn "đất dụng võ" cho chiến thuật phòng ngự co cụm kiểu Ý. Thất bại của đội tuyển Ý trước Costa Rica là một sự cảnh tỉnh cho trường phái phòng ngự. Tất cả 4 đội bóng vào bán kết World Cup năm nay đều chơi thiên về tấn công. Điều đó cho thấy nghệ thuật bóng đá phòng ngự cần được xây dựng lại. World Cup 2014 cũng chứng kiến rất ít trung vệ xuất sắc, một phần vì trọng tài nghiêm khắc, vốn có thể làm các cầu thủ cẩn trọng hơn trong các pha ngăn cản. Có rất ít trung vệ đủ sức thắng tiền đạo đối phương trong các tình huống một đối một. Sự biến mất của nghệ thuật đánh chặn này là rất nguy hiểm, nhất là khi hậu vệ được khuyến khích dâng cao tấn công. Chỉ có một vài trung vệ tạo được ấn tượng là Raphael Varane của Pháp, Jose Gimenez của Uruguay, Giancarlo Gonzalez của Costa Rica, còn những trung vệ thể hiện tốt hơn thường là già hơn như Rafael Marquez của Mexico hay Mario Yepes của Colombia.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết