12/11/2017 - 09:41

Những người con hiếu thảo
Bài 2: Chữ hiếu làm đầu 

Với hai bạn trẻ Nguyễn Minh Nhật (phường Lê Bình, quận Cái Răng) và Lâm Trúc Huỳnh (phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), niềm vui lớn nhất là mỗi ngày là được cận kề chăm sóc, trò chuyện cùng mẹ, nhìn thấy mẹ mạnh khỏe, vui cười. Người từng là giảng viên đại học; người là học sinh, sinh viên giỏi nhiều năm liền, tốt nghiệp đại học với thành tích học tập cao,  nhưng khi mẹ đột ngột ngả bệnh, cả hai đều quyết định gác lại ước mơ để dành thời gian cận kề chăm sóc, làm tròn chữ hiếu với mẹ…

Chuyện hiếu thảo của anh “thợ ảnh”

Trong căn nhà nhỏ ở khu vực Yên Bình, phường Lê Bình (quận Cái Răng), Nguyễn Minh Nhật ngồi trước máy vi tính, tỉ mỉ chỉnh sửa ảnh cưới để kịp giao hàng cho khách. Bà Nguyễn Thị Loan (50 tuổi) - mẹ anh Nhật - tập tễnh đi đi lại lại, được một lúc lại bắt ghế ngồi kề bên. Bà cười nói, hỏi han vài câu, dù hồi ức chỉ sót lại vài kỷ niệm về thời thơ ấu với người em gái, thậm chí người con trai duy nhất của bà là anh, cũng có lúc nhớ lúc quên. Minh Nhật kể, sau đợt tai biến “thập tử nhất sinh” cách nay gần 4 năm, mẹ anh bị liệt nửa người, thần trí không còn như trước. Để tập trung chăm sóc mẹ, chàng giảng viên trẻ của Trường Đại học Võ Trường Toản) xin nghỉ việc. Lúc này, bệnh tình mẹ anh rất nặng. Trong nửa tháng nằm viện và 6 tháng đầu xuất viện về nhà, bà không cử động được, thức ăn phải xay thành sinh tố rồi bơm vào thực quản; việc tắm rửa, vệ sinh cho mẹ dù đã có sự giúp đỡ của ba và dì, nhưng Nhật cũng không e ngại làm mọi việc vì mẹ. “Thật tình, lúc đó trong đầu tôi rối lắm, không nghĩ ngợi được gì, chỉ mong mẹ khỏi bệnh để mẹ con sớm hôm hủ hỉ…” – Nhật tâm sự.

Nguyễn Minh Nhật đưa mẹ đi khám bệnh. Ảnh do nhân vật cung cấp

 Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, Nhật tích cực và kiên trì hỗ trợ mẹ tập vật lý trị liệu. Hơn 1 năm, Nhật thường xuyên đưa mẹ đến bệnh viện tập luyện, nhờ một số bác sĩ tư vấn và lên mạng tìm hiểu cách tập vật lý trị liệu hiệu quả để giúp mẹ sớm bình phục. Mỗi ngày, anh dành khoảng 2 tiếng để tập vật lý trị liệu cho mẹ. Đến tháng thứ 6, sức khỏe của mẹ chuyển biến tốt hơn, Nhật vui mừng khôn xiết. Gần 1 năm qua, mẹ của Nhật có thể đi lại, tự uống thuốc và sinh hoạt cá nhân...

Theo Nhật, mẹ anh cả đời hy sinh cho gia đình, con cái vì vậy phận làm con phải phụng dưỡng, chăm sóc để  mẹ được sống vui vẻ, an nhàn lúc tuổi già. Trước đây do nợ nần, gia đình Nhật phải bán hết ruộng đất, chuyển về Cần Thơ và ở nhờ trên đất của người bà con. Cha mẹ anh mưu sinh bằng nghề may túi xách và rày đây mai đó để bán hàng ở các chợ. Dù cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng cha mẹ luôn chắt chiu từng đồng để lo cho con ăn học. Thương cha mẹ, Nhật luôn cố gắng học tập và phụ giúp mua bán khi rảnh rỗi. Năm 2010, Nhật tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Đô, sau đó anh học thêm văn bằng 2 ngành Luật tại Trường Đại học Cần Thơ. 

Không chỉ học tập tốt, Nhật còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Nhật là người thành lập Câu lạc bộ Trao yêu thương, hằng năm tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà trẻ em nghèo, vận động xây hơn 25 căn nhà tình thương cho hộ nghèo ở các tỉnh, thành khu vực  ĐBSCL.

Với Nhật, khi quyết định gác lại ước mơ để dành hết thời gian cận kề, chăm sóc  mẹ, anh không hề hối tiếc, bởi “còn cha, còn mẹ thì hơn”. Khi tôi hỏi về dự định nghề nghiệp trong  tương lai, Nhật chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục phát triển nghề studio ảnh cưới và dạy thêm, vừa có thu nhập nuôi sống gia đình, vừa có thời gian chăm sóc mẹ”.

Luôn ghi nhớ lời mẹ dạy

Cha bỏ đi từ khi Lâm Trúc Huỳnh (khu vực Phụng Thạnh 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt) chưa chào đời. Từ nhỏ, hai mẹ con Huỳnh sống cùng bà ngoại, các cậu dì. Gia đình gồm 7 thành viên, đa số là phụ nữ, lại không ruộng đất canh tác, cuộc sống rất khó khăn. Các cậu và dì phải làm thuê kiếm sống, còn mẹ Huỳnh – bà Lâm Kim Hoa nhận chằm lá thuê để có tiền nuôi Huỳnh ăn học. Dù nghèo khó, cơ cực nhưng mẹ của Huỳnh luôn động viên con cố gắng học tập. Bà còn làm bánh bán để sắm quần áo mới cho con vào mỗi đầu năm học mới. Nhớ lời mẹ căn dặn: “Thương mẹ, con hãy học giỏi, sống tốt”, Huỳnh luôn cố gắng học thật giỏi. Suốt 12 năm học phổ thông và 4 năm học đại học, kết quả học tập của Huỳnh đều đạt loại khá, giỏi.

 Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 4 năm học đại học, Huỳnh chi tiêu rất tiết kiệm. Có những tháng cô chỉ chi có 300.000 đồng, trong đó tiền thuê trọ đã là 150.000 đồng. Bữa ăn của cô sinh viên nghèo khi ấy thường chỉ có trứng chiên, rau luộc, còn gạo thì về quê mang lên. Khó khăn là vậy nhưng mỗi khi Huỳnh tỏ ý đi làm thêm thì mẹ một mực phản đối vì sợ con cực khổ và lơ là việc học. Nỗ lực vượt khó, năm 2010, Huỳnh tốt nghiệp ngành Sư phạm Địa lý (Trường Đại học Cần Thơ) với tấm bằng loại giỏi.

Lâm Trúc Huỳnh được tuyên dương gương “Người con hiếu thảo” lần thứ I-2017. Ảnh: CTV

Khấp khởi cầm tấm bằng đại học trên tay thì Huỳnh nhận được hung tin: Mẹ bị tai biến “thập tử, nhất sinh”. Dù tích cực chữa trị nhưng tay chân bà không cử động được, từ đó sức khỏe suy yếu dần. Để có điều kiện chăm sóc mẹ, Trúc Huỳnh về quê xin làm nhân viên bán hàng. Từ tháng 5-2011 đến nay, Huỳnh là cán bộ Quận đoàn Thốt Nốt. Thời gian đầu, Huỳnh vừa làm vừa phụ giúp các dì chăm sóc và tập vật lý trị liệu cho mẹ. Có đợt mẹ điều trị ở Bệnh viện Đa khoa An Giang, sau giờ làm, Huỳnh chạy lên Long Xuyên để phụ giúp chăm sóc mẹ. Năm nay, mẹ của Huỳnh 63 tuổi, tuy sức khỏe có hồi phục nhưng rất yếu, chỉ quanh quẩn trong nhà. Bà ngoại của Huỳnh (84 tuổi) mắc bệnh tim, cũng cần có người kề cận chăm sóc. Mỗi ngày, ngoại và mẹ của Huỳnh phải uống thuốc 3-4 lần và phải thường xuyên đến bệnh viện khám bệnh, nhận thuốc. Sống chung nhà còn có hai người dì của Huỳnh. Trước kia, hai dì còn trẻ, đi bán bánh dạo kiếm sống, giờ sức khỏe yếu, buôn bán ế ẩm hơn, cuộc sống khá chật vật. Hằng tháng, Huỳnh đưa hết thu nhập (5 triệu đồng/tháng) cho mẹ để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Hiện nay, Trúc Huỳnh là Phó Chủ tịch Hội đồng Đội quận Thốt Nốt. Dù công việc khá bận rộn, nhưng sau 17 giờ, Huỳnh đều về nhà ăn cơm cùng mẹ. Khi thì đưa mẹ đi dạo, thăm hỏi bà con, hoặc phụ  giúp các dì làm bánh. Với Huỳnh, mẹ là nguồn động lực để cô vượt qua bao khó khăn, gắn bó với công tác Đoàn tại địa phương. Mẹ luôn khuyên cô phải sống tốt, sống vì mọi người. Gần 7 năm công tác,  Huỳnh đã góp phần tổ chức nhiều phong trào thiết thực chăm lo cho trẻ em nghèo trong quận. Từ đầu năm đến nay, thực hiện chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”, Huỳnh cùng các cộng sự đã vận động xây dựng 3 căn nhà Khăn quàng đỏ và vận động hơn 100 triệu đồng trao học bổng cho học sinh nghèo... Huỳnh bộc bạch: “Mẹ thường nhắc em trước đây cũng nhờ các nhà hảo tâm tặng học bổng, giúp đỡ nhiều mặt nên em mới có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Vì vậy, nếu làm được việc gì hữu ích cho các em thiếu nhi, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, thì em nguyện sẵn sàng…”. 

 

Bài 3: Sợi dây gắn kết yêu thương

  QUỐC THÁI - PHƯƠNG LAM

 

Chia sẻ bài viết