01/08/2019 - 07:32

Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Ðảng (1/8/1930 - 1/8/2019)

Những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng 

Nói về tầm quan trọng của công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng”. Trong thực tiễn hoạt động của Ðảng ta, công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần định hướng nhận thức, xây dựng và củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Xác định tầm quan trọng của công tác này, các cấp ủy đảng trong thành phố quan tâm đổi mới, đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành hành động cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương…

Đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo”.

Bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành Tuyên giáo, Đảng bộ thành phố, hệ thống Tuyên giáo các cấp trong thành phố chủ động tham mưu cấp ủy triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ công tác Tuyên giáo. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, hình thức, phù hợp với từng đối tượng.

Theo đồng chí Lê Hoàng Thủy Trinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Thủy, Ban Tuyên giáo tích cực tham mưu Quận ủy đổi mới phương thức tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, với cách làm: phối hợp với cấp ủy các phường phát tài liệu trước cho đảng viên; chuẩn bị nội dung gợi ý thảo luận đóng góp cho dự thảo chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp thực hiện, góp phần đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ban Tuyên giáo Quận ủy thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận và các đơn vị liên quan tổ chức thông tin thời sự và bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở; duy trì thường xuyên việc tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm về công tác giáo dục truyền thống và các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điểm mới là, trước mỗi cuộc hội thảo, tọa đàm, Ban Tuyên giáo phối hợp triển khai phiếu xin ý kiến (điều tra dư luận xã hội) về chủ đề tổ chức tọa đàm. Qua đó, thu thập những thông tin từ thực tế, kết hợp với kết quả ghi nhận tại các buổi tọa đàm để tham mưu cấp ủy đơn vị đề ra giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo đồng chí Trần Văn Sơn, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thạnh, toàn  huyện có hơn 90% dân số là người có đạo. Các cấp ủy đảng quan tâm công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội trong các tầng lớp nhân dân nói chung, trong đồng bào có đạo nói riêng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Huyện ủy củng cố, kiện toàn tổ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện; chỉ đạo cấp ủy các xã, thị trấn thành lập tổ công tác viên dư luận xã hội. Từ đó, lực lượng này nắm bắt và phản ánh kịp thời những sự kiện, vấn đề tác động đến tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội, góp phần tham mưu giúp cấp ủy giải quyết những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, thông qua việc phối hợp với hệ thống dân vận, Mặt trận, các đoàn thể tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; phát huy mặt tích cực của các tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội; phối hợp cùng các vị chức sắc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo đoàn kết cùng chung tay xây dựng quê hương phát triển. Điểm nổi bật trong thời gian qua là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo huyện đã tham mưu Huyện ủy phát động và lãnh đạo có hiệu quả phong trào “tự soi, tự sửa”, “Nhật ký làm theo Bác”, góp phần ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Để công tác tuyên giáo thật sự chất lượng, hiệu quả, thực hiện tốt vai trò tham mưu cấp ủy trên lĩnh vực công tác chính trị, tư tưởng, đồng chí Trần Việt Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ đề nghị: Đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp trong thành phố cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng; tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, từ đó có biện pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực của cán bộ trong nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đề xuất... Các hoạt động công tác tuyên giáo được triển khai đồng bộ, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, vận dụng phù hợp, hiệu quả phương thức thực hiện; tập trung tham mưu có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền miệng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, từ đó đề xuất giải pháp có hiệu quả, nhằm định hướng dư luận xã hội. Song song đó là chủ động tham mưu, đề xuất xử lý kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, kịp thời biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh, tâm huyết với nghề, có tri thức và phương pháp công tác khoa học…

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đảng ta đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền (tiền thân của Ban Tuyên giáo) là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngày Quốc tế đỏ 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền xuất bản tài liệu Ngày Quốc tế đỏ 1-8 kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1-8 đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo. 

 Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết