ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nên nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của vùng ngày càng gia tăng. Do đó, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL dựa vào lợi thế và tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
* Khai thác tiềm năng
 |
Trong chương trình “Tuần lễ năng lượng tái tạo 2016” tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu quan tâm đến hiệu ứng đầu tư tấm pin năng lượng mặt trời
tại doanh nghiệp, hộ gia đình... |
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: Để phục vụ mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng vùng ĐBSCL trở thành "Trung tâm công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp" và là "Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng", ĐBSCL không chỉ dựa vào năng lượng hóa thạch (cụ thể là điện than) mà cần tăng cường tìm kiếm nguồn năng lượng mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Hiện, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhất là điện sinh khối. Hằng năm, ĐBSCL có 20 triệu tấn rơm rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc và các nguồn phụ phẩm khác bị bỏ phí. Nếu tận dụng được nguồn phụ phẩm này để tái tạo điện sinh khối, tính đến năm 2030, tổng công suất lắp điện sinh khối toàn vùng ĐBSCL sẽ đạt khoảng 300MW.
Theo các chuyên gia, ngoài điện sinh khối, ở ĐBSCL năng lượng sóng biển, thủy triều, mặt trời, gió cũng khá dồi dào. Đặc biệt, vùng có mùa khô kéo dài khoảng 7 tháng/năm, mỗi năm ĐBSCL có thể nhận từ 2.200-2.500 giờ nắng nên tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng mặt trời là rất lớn. Theo ước tính của các chuyên gia, với 1m2 lắp đặt tấm pin mặt trời có thể thu được 5 kWh điện/ngày và số ngày nhận được ánh sáng mặt trời đủ để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời đạt hơn 90%. Ngoài ra, ĐBSCL có đường bờ biển dài khoảng 700km, có thể khai thác năng lượng gió ven bờ biển đạt từ 1.200-1.500 MW. Các nguồn năng lượng này sẽ từng bước thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và nhất là tác động của biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, khẳng định: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khá hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Bởi việc phát triển năng lượng tái tạo đa phần đều dựa vào điều kiện tự nhiên của ĐBSCL và về lâu dài giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư và khai thác điện mặt trời có hiệu quả sẽ làm giảm giá điện. Hiện nay, việc khai thác năng lượng mặt trời ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình
do giá thành sản xuất thiết bị, kỹ thuật lắp đặt ngày càng rẻ dần. Trong khi đó, giá thành sản xuất các loại điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí đều tăng giá xấp xỉ 2%/năm.
* Trợ lực cho năng lượng tái tạo
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của vùng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chi phí đầu tư lớn, cơ chế chính sách chưa thật sự hiệu quả, nhận thức, kinh nghiệm tổ chức thực hiện và trình độ áp dụng công nghệ chưa cao
Trong điều kiện của ĐBSCL hiện nay, trước hết cần nghiên cứu, tuyên truyền, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng một số thiết bị sử dụng năng lượng mới phù hợp với điều kiện của người dân, đặc biệt là những người dân ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đông bào dân tộc. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về tiềm năng điện sinh khối của vùng ĐBSCL.
Ông Rafael Denga, chuyên gia kỹ thuật Chương trình Năng lượng bền vững, cho rằng: Nguồn năng lượng từ than và các năng lượng hóa thạch rất nguy hại với môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe ở các nước. Hiện, mỗi năm có 5,5 triệu người trên thế giới chết sớm do ô nhiễm không khí. Vì vậy, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo là nhu cầu bức thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống. Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo chưa phát triển mạnh do chi phí đầu tư cho lĩnh vực này cao hơn so với chi phí đầu tư năng lượng hóa thạch. Các chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế chính sách giá chính là "điểm nghẽn" khiến các nhà đầu tư e ngại, hạn chế đầu tư lắp đặt và vận hành điện mặt trời so với đầu tư vào điện đốt than và khí.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản tập trung phát triển năng lượng tái tạo như chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, có xây dựng cơ chế giá khuyến khích để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo.Theo các chuyên gia về năng lượng, nếu thực hiện tốt cơ chế giá về năng lượng mặt trời sẽ giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính, đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng. Do vậy, thời gian tới các bộ, ngành và các địa phương cần có sự ưu tiên trong phát triển quy hoạch và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế bền vững.
Bài, ảnh: M.Hoa