25/12/2008 - 21:34

Xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ)

Nhiều sai phạm trong việc cấp phát tiền bảo trợ xã hội

Trẻ mồ côi, người già cô đơn, người cao tuổi, người tàn tật, tâm thần... là đối tượng xã hội được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ là một trong những địa phương nỗ lực thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, trong công tác thực hiện, cán bộ phụ trách còn nhiều sai sót, khuất tất trong việc cấp phát, lập danh sách đối tượng được nhận tiền bảo trợ xã hội (BTXH), gây bất bình trong dư luận.

Chờ tiền bảo trợ

Cách trung tâm xã Trường Xuân khoảng 5km, chúng tôi theo con đường đất ngoằn ngoèo, nhiều “ổ voi”, tìm đến nhà của bà Trần Thị Nở thuộc ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân. Đó là căn nhà tình nghĩa do địa phương xây dựng cho gia đình bà. Khi thấy chúng tôi đến, người phụ nữ quần áo xốc xếch, mặt lấm lem bụi đất, từ trong nhà bước ra. Bà Trần Thị Nở, mẹ của người phụ nữ ấy, cho biết: “Nó là con gái của tôi, năm nay gần 30 tuổi bị chứng bệnh tâm thần hành hạ từ khi lên 1 tuổi. Mấy năm nay, nó còn bị động kinh, gia đình tôi vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn”.

Cũng theo bà Nở, gia đình bà thuộc diện chính sách (gia đình liệt sĩ) nên được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Con của bà bị bệnh từ lúc còn nhỏ, gia đình khó khăn, không ruộng đất. Bà Nở nói: “Thấy gia đình khó khăn, chính quyền địa phương lập thủ tục đưa con tôi vào danh sách đối tượng được nhận BTXH vào tháng 1-2008, với số tiền được nhận là 180.000 đồng/tháng. Tôi bức xúc vì trong năm 2008, con tôi lẽ ra được nhận tổng cộng tiền bảo trợ là 2.160.000 đồng, nhưng thực tế chỉ nhận được 1.440.000 đồng (chia làm 4 lần nhận). Còn trong sổ ký nhận tiền thì tôi có ký tên hàng tháng, nhận đầy đủ số tiền bảo trợ trong năm. Lúc nhận tiền, cán bộ phát tiền bảo tôi ký ở đâu thì tôi ký ở đó, vì tôi đọc chữ không rành. Đến khi Đoàn thanh tra của UBND xã Trường Xuân kiểm tra việc cấp phát tiền cho đối tượng được BTXH thì tôi mới biết mình ký nhận đầy đủ số tiền bảo trợ trong năm, mà thực tế tôi chỉ nhận có 1.440.000 đồng. Tôi mong các ngành chức năng xem xét lại vấn đề này cho rõ ràng, minh bạch”.

Bà Nguyễn Thị Đầm, ở ấp Phú Thọ, bị tật nguyền, bức xúc vì nhận tiền BTXH chậm trễ. 

Bà Nguyễn Thị Đầm ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, thuộc diện người cao tuổi, được nhận tiền BTXH hàng tháng 120.000 đồng. Bà Đầm nói: “Năm nay, tôi 87 tuổi, bị bệnh tiểu đường nên bị cắt bỏ hết một phần chân phải. Hiện nay, mỗi tháng tôi phải tốn gần 500.000 đồng tiền thuốc. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương lập thủ tục cho tôi nhận tiền BTXH từ tháng 1-2008. Nhưng, đến tháng 8-2008, tôi mới nhận được tiền trợ cấp là 960.000 đồng (cho cả 8 tháng). Tôi không hiểu tại sao đến tháng 8-2008 tôi mới nhận được tiền, trong khi căn bệnh của tôi đang cần tiền để chữa trị”.

Ông Trần Ngôn, ngụ cùng ấp với bà Đầm, cũng bức xúc nói: “Con tôi bị bệnh thiểu năng trí tuệ từ lúc mới sinh, đến nay đã 31 tuổi. Gia đình gặp khó khăn, tôi có làm đơn xin được xét trợ cấp theo diện BTXH cho con. Đến tháng 1-2008, con tôi được xét nhưng đến tháng 8-2008, gia đình tôi mới nhận được số tiền này, mỗi tháng 180.000 đồng. Từ tháng 9-2008 đến nay con tôi bị cắt tiền BTXH, vì cán bộ phụ trách cho rằng gia đình tôi không có sổ hộ nghèo. Tôi rất mong các ngành chức năng xem xét lại, vì hiện tại gia đình tôi gặp nhiều khó khăn”.

Cán bộ chiếm dụng tiền bảo trợ xã hội

Theo thống kê của UBND xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ, địa phương hiện có 85 đối tượng thuộc diện được nhận BTXH thường xuyên theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH. Hầu hết là những người tàn tật, mồ côi, người cao tuổi, tâm thần... gặp khó khăn, không có điều kiện khám trị bệnh. Ngoài việc được cấp sổ bảo hiểm y tế, đối tượng BTXH được hỗ trợ hàng tháng với số tiền từ 120.000 đồng đến 240.000 đồng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH được triển khai thực hiện thì tại xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ phát sinh tiêu cực như: cấp phát tiền không đúng đối tượng, chiếm dụng tiền BTXH, kê khai đối tượng nhận BTXH không có ở địa phương... Người trực tiếp quản lý và cấp phát tiền BTXH là ông Trần Văn Trân, cán bộ phụ trách Thương binh - Xã hội (TB-XH) xã Trường Xuân. Điều này gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Trần Hoài Phương (con ông Trần Ngôn) ở ấp Phú Thọ, bị thiểu năng trí tuệ, không còn được nhận tiền BTXH từ tháng 9-2008.  

Để giải quyết căn cơ vấn đề, ngày 29-9-2008, HĐND xã Trường Xuân thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra việc cấp phát tiền BTXH thường xuyên theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP. Báo cáo kết luận thanh tra ngày 3-10-2008 ghi rõ: Ông Trần Văn Trân, cán bộ phụ trách TB-XH xã Trường Xuân, nhận tổng cộng 95,52 triệu đồng trong 3 lần. Lần 1, ông Trân nhận tiền vào ngày 1-2-2008 với số tiền là 19,68 triệu đồng, cấp phát cho 68 đối tượng. Tuy nhiên, ông Trân chỉ cấp phát cho 29 đối tượng, với số tiền là 6,56 triệu đồng. Lần 2, ông Trân nhận vào ngày 10-4-2008 với số tiền là 19,2 triệu đồng, cấp phát cho 66 đối tượng. Tuy nhiên, ông Trân cũng chỉ cấp phát cho 37 đối tượng được 12,3 triệu đồng. Lần 3, ông Trân nhận tiền vào ngày 1-9-2008 với số tiền 56,64 triệu đồng, cấp phát cho 85 đối tượng. Tuy nhiên, ông Trân chỉ cấp phát cho 35 đối tượng được 22,656 triệu đồng. Trong tổng số đối tượng được cấp phát tiền BTXH có 12 đối tượng khống, không có ở địa phương, chết hoặc sai đối tượng và tổng số tiền cấp phát cho 12 đối tượng này là 11,52 triệu đồng. Đồng thời, tại báo cáo, Đoàn thanh tra xã Trường Xuân nêu rõ: “Việc cấp tiền và thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng BTXH theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ, ông Trần Văn Trân thực hiện không đúng qui định và chưa kịp thời, quyết toán khống, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đề nghị thu hồi 11,52 triệu đồng do ông Trân chiếm dụng nộp trả lại ngân sách Nhà nước. Đây là vấn đề cố ý làm trái Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị UBND xã có hướng giải quyết...”.

Ông Trần Văn Trân, cán bộ phụ trách TB-XH xã Trường Xuân cũng thừa nhận việc làm sai trái của mình như sau: “Qua việc cấp phát tiền BTXH, tôi có sai phạm và đã nhận thức được. Tôi tự kiểm điểm bản thân và hứa thời gian sau sẽ cấp phát tiền đúng người, đúng thời gian qui định...”.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, cho biết: “Ngày 8-12-2008, UBND xã Trường Xuân có lập Hội đồng kỷ luật đối với ông Trần Văn Trân, cán bộ phụ trách TB-XH, xử lý vi phạm về việc cấp phát tiền BTXH theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Hội đồng kỷ luật tiến hành bỏ phiếu kín. Qua đó, có 3/5 thành viên thống nhất xử lý hình thức khiển trách, 2/5 thành viên yêu cầu cắt hợp đồng (vì ông Trân là cán bộ hợp đồng lao động). Từ kết quả này, ông Trân bị xử lý theo hình thức khiển trách, rút kinh nghiệm. Hiện nay, ông Trân đã khắc phục hậu quả, các đối tượng đã nhận được tiền BTXH và UBND xã đã cho ông Trân ngưng đảm trách nhiệm vụ cấp phát tiền BTXH. Địa phương có nhiệm vụ báo cáo sự việc đến các ngành chức năng huyện Cờ Đỏ”.

Việc cấp phát tiền BTXH sai qui định, không đúng đối tượng, chiếm dụng tiền... ở xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ cho thấy việc giám sát công tác cấp, phát tiền cho các đối tượng BTXH còn bị buông lỏng. Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh của người dân, Đảng ủy, UBND xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ, đã kịp thời vào cuộc, kiểm tra vụ việc, ngăn chặn hành vi sai trái của cán bộ phụ trách. Qua đây, cũng cần lưu ý chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Cờ Đỏ nên quan tâm đến công tác này hơn nữa, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhằm tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết