03/09/2017 - 15:49

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế 

Qua 8 tháng đầu năm 2017, kinh tế-xã hội TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều ngành và lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Song, tình hình phát triển kinh tế của thành phố còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được kết quả cao như kỳ vọng.

 Trái cây đặc sản dâu Hạ Châu – Phong Điền được Vựa trái cây Diệu Hiền ở huyện Phong Điền thu mua, đóng thùng để chở đi các nơi 

8 kết quả nổi bật

8 tháng đầu năm 2017, nhìn chung, các hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại nội địa, dịch vụ du lịch của thành phố đều đạt mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ. Huy động các nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển đạt khá. Dư nợ tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng so cùng kỳ, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, tăng trên 21% so với cùng kỳ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh, mạnh hơn và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu: Các sở ngành và địa phương rà soát kỹ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để có giải pháp nhằm hoàn thành tốt theo các tiến độ được đề ra hằng tháng từ nay đến cuối năm, nhất là 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội được giao. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điểm cốt lõi quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước và kinh tế phát triển cũng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực xã hội phát triển. Lãnh đạo các địa phương cần quan tâm, gặp gỡ các doanh nghiệp thường xuyên, nhất là các doanh nghiệp đang có khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần đặc biệt lưu ý có giải pháp chủ động phòng tránh các rủi ro do thời tiết, thiên tai và sâu bệnh, cũng như phải có giải pháp tăng diện tích, sản lượng gắn với việc đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Đánh giá những chuyển biến phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nêu 8 kết quả nổi bật: Thứ nhất, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) ước tăng 6,87% so với cùng kỳ - kết quả rất tốt. Thứ hai, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện hơn 74.325 tỉ đồng, đạt 70,8% kế hoạch, tăng 11,9% so cùng kỳ. Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ  ước thực hiện hơn 1,12 tỉ USD, đạt 67,2% so với kế hoạch, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Thứ tư, thu ngân sách nhà nước tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đạt khá tốt và hiện đã có địa phương hoàn thành kế hoạch năm. Thứ năm, tình hình sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi và chuyển biến tích cực, nếu tiếp tục duy trì tốt, khả năng thành phố đạt tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 1% trở lên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung. Thứ sáu, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt khá cao, ước thực hiện 65.700 tỉ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu rất tích cực, phần nào phản ảnh sự tăng cường cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Thứ bảy, các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm làm tốt, nhất là việc giải quyết việc làm cho người dân. Qua 8 tháng, thành phố đã giải quyết việc làm cho 38.860 lao động, đạt 77,4% kế hoạch, tăng 8,6% so cùng kỳ và đào tạo nghề cho 27.755 lao động, đạt 67,7% kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ. Cuối cùng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và tổ chức các sự kiện, lễ hội được thực hiện khá chu đáo. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức rất thành công sự kiện mang tầm quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Cần Thơ là Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017, góp phần quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh của TP Cần Thơ đến bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, người đứng đầu UBND thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận các kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, nhất là đối với một số lĩnh vực phát triển kinh tế như tốc độ tăng của chỉ số phát triển công nghiệp còn thấp so với nhiều địa phương trong nước, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước tại các quận, huyện thực hiện tốt nhưng tại Văn phòng Cục Thuế TP Cần Thơ còn chậm dẫn đến tổng các nguồn thu chung chưa đạt so với tiến độ kế hoạch. Ngoài ra, tiến độ công nhận các xã nông thôn mới còn chậm. Công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản cũng chưa được tốt, nhất là các công trình sử dụng vốn ODA. Tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn còn nhiều vấn đề đáng lo, đặc biệt tai nạn giao thông còn ở mức cao và khó kéo giảm.

Đề ra nhiều giải pháp

Trong tháng 9-2017, thành phố xác định tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương và thành phố về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Thành phố phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và chủ đề năm 2017 về "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế". Quan tâm, rà soát tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trong năm 2017 để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thực hiện, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư không đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án.

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã cải thiện được thu nhập cho 
gia đình nhờ phát triển chăn nuôi bò.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND TP Cần Thơ về tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm và triển khai các công tác trọng tâm tháng 9-2017, các đại biểu đã tập trung phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế cụ thể trong từng ngành và lĩnh vực. Qua đó, nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn để phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch năm và thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố phát triển xứng tầm đã đề xuất và xác định cần được triển khai thực hiện.  Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Đơn vị đã xây dựng Kế hoạch phát triển sản xuất trong những tháng cuối năm 2017, đảm bảo vượt chỉ tiêu kế hoạch để bù đắp thiếu hụt của những tháng đầu năm. Sở quan tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng diện tích và sản lượng lúa hè thu, thu đông 2017, đảm bảo sản lượng lúa cả năm vượt 1,3 triệu tấn. Tăng diện tích trồng rau màu và cây ăn trái, đảm bảo sản lượng đạt 100.000 tấn. Khuyến khích và hỗ trợ người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản mùa nước nổi đảm bảo sản lượng thủy sản 200.000 tấn, trong đó có 161.000 tấn cá tra; phát triển đàn heo đạt 130.000 con, đàn gia cầm 2 triệu con”. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, các tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết có nhiều yếu tố không thuận lợi và giá cả một số mặt hàng nông sản biến động theo hướng bất lợi cho người sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp và nỗ lực vượt khó của người dân, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã được đẩy mạnh. Đến nay, tổng diện tích sản xuất lúa 3 vụ đạt  239.528ha, vượt 10,78% kế hoạch và đã thu hoạch 169.284ha với sản lượng hơn 1 triệu tấn, đạt 96,61% kế hoạch. Rau màu, đậu các loại đã gieo trồng  hơn 11.632 ha, vượt 5,37% so với kế hoạch. Diện tích trồng cây ăn trái là 16.652 ha, vượt 2,22% so với kế hoạch. Diện tích thả nuôi thủy sản đạt 10.783 ha, vượt 2,69% so với kế hoạch.

Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, IIP trong 8 tháng đầu năm tăng thấp so với kỳ vọng do ảnh hưởng của một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị giảm mạnh, nhất là sản xuất điện tại Nhà máy nhiệt điện Ô Môn giảm do năm nay mưa nhiều đảm bảo nước cho các nhà máy thủy điện hoạt động. Dự báo trong những tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết tăng;  nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng khá, như: chế biến gạo, thủy sản, thực phẩm, đồ uống... góp phần làm tăng IIP. Sở Công thương thành phố đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phấn đấu mức tăng IIP cả năm đạt 8,4%. Cụ thể như: Phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận vốn để đổi mới công nghệ và phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp cận các thị trường tiêu thụ sản phẩm mới, tìm nguồn lao động chất lượng, lao động có tay nghề kỹ thuật...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết