Vụ lúa hè thu, mùa, thu đông 2023 đã và đang được thu hoạch với năng suất khá cao ở ÐBSCL. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá đây là những vụ lúa được mùa, cho lợi nhuận khá cao. Kết quả này là nhờ chuyển đổi thời vụ, xuống giống né rầy, dịch hại, với cơ cấu giống phù hợp... Tiếp nối niềm vui trên, nông dân ÐBSCL bắt đầu chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2023-2024 sắp tới.

TP Cần Thơ tăng cường ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch lúa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa thu đông ở Thới Lai.
Hiệu quả sản xuất
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2023, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL vận động nông dân tập trung gieo sạ theo khung lịch thời vụ khuyến cáo, nhằm giảm nhẹ thiệt hại do dịch bệnh, ảnh hưởng lũ và né tránh hạn mặn; đồng thời, điều kiện thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho sản xuất nên các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau, cây ăn trái đều phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng đảm bảo… Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Giá lúa tăng từ cuối vụ hè thu 2023 đến nay dẫn đến các doanh nghiệp tăng cường liên kết với hộ dân để bao tiêu, thu mua lúa và cam kết thu mua theo giá cả thị trường hoặc giá cố định ngay từ đầu vụ. Việc này đã giúp nông dân an tâm sản xuất, không lo đầu ra khi vào vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, các vụ mùa vừa qua, bản tin thời tiết nông vụ tiếp tục được áp dụng, qua đó lịch thời vụ, giải pháp sản xuất, ứng phó với thời tiết, khí hậu được khuyến cáo, chuyển giao đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời với nội dung phong phú, hình thức đa dạng đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận trong mỗi vụ mùa…”.
Theo thống kê từ các báo cáo của Sở NN&PTNT khu vực ÐBSCL, sản xuất lúa năm 2023 của cả vùng ước đạt 3,816 triệu héc-ta, tăng 13.180ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt 23,970 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, diện tích gieo sạ vụ hè thu được 1.476.610ha, tăng 500ha; năng suất 57,55 tạ/ha, tăng 0,86 tạ/ha; sản lượng 8,497 triệu tấn, tăng 130.000 tấn so với cùng kỳ 2022. Vụ lúa thu đông ước diện tích gieo sạ 680.000ha, tăng 31.300ha; năng suất ước 56,81 tạ/ha, tăng 0,83 tạ/ha; sản lượng 3,863 triệu tấn, tăng 232.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Vụ mùa 2023 ước gieo sạ với diện tích 180.810ha, tăng 9.600ha; năng suất ước 51,63 tạ/ha, tăng 0,16 tạ/ha; sản lượng 934.000 tấn, tăng 52.000 tấn so với cùng kỳ 2022.
Tại TP Cần Thơ, lúa hè thu đã thu hoạch dứt điểm. Lúa thu đông 2023 được xuống giống với diện tích 68.231ha, cao hơn 1.392ha so với cùng kỳ năm 2022, đạt 113% so với kế hoạch năm. Ðến gần cuối tháng 9-2023, thành phố đã thu hoạch được 31.601ha, cao hơn 1.392ha so với cùng kỳ năm 2022, năng suất ước đạt 54,9 tạ/ha tương đương so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, yêu cầu: “Lúa thu đông hiện chủ yếu ở giai đoạn chắc xanh đến chín, trên một số trà lúa sớm đã bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên điều kiện thời tiết nhiều mưa, mực nước ngoài đồng đang lên cao, nền đất lung, khả năng máy cắt khó vào ruộng để thu hoạch. Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương thường xuyên thăm đồng, cập nhật tình hình dịch hại, theo dõi tiến độ thu hoạch, năng suất, những ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và có hướng hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa khi cần thiết”.
Triển khai vụ đông xuân 2023-2024
Theo Cục Trồng trọt, thời gian gần đây, nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt và trình độ đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo địa phương trong việc hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên mỗi vụ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Phát huy lợi thế đó, vụ lúa đông xuân 2023-2024, Bộ NN&PTNT tiếp tục khuyến cáo nông dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ, sử dụng giống an toàn, chất lượng cao…
Thời vụ lúa vụ đông xuân 2023-2024 quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm. Bộ NN&PTNT có kế hoạch sản xuất với diện tích 1,475 triệu héc-ta, giảm 3.690ha so vụ đông xuân 2022-2023; năng suất ước đạt 72,24 tạ/ha, tăng 0,04 tạ/ha và sản lượng 10,655 triệu tấn, giảm 20.000 tấn so với vụ đông xuân 2022-2023. Thời vụ và diện tích xuống giống phù hợp theo từng vùng. Trong đó, xuống giống sớm từ ngày 10 đến 30-10-2023 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang), với khoảng 375.000ha, chiếm khoảng 24-26% diện tích vụ đông xuân, đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn. Xuống giống đợt 1 từ ngày 1-11 đến ngày 30-11-2023 là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 46% diện tích kế hoạch. Xuống giống đợt 2 từ ngày 1-12 đến ngày 31-12-2023, thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích theo kế hoạch. Một số vùng xuống giống đông xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10-1-2024…
Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm: “Theo dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa đông xuân 2023-2024 sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo nêu trên sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn. Việc xuống giống lúa đông xuân sẽ có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân, lúa thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3-2024 đều nằm trong thời kỳ mùa khô, nắng sẽ cho chất lượng ổn định. Xuống giống lúa đông xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trỗ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Vì vậy đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa - 1 màu…”.
Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 ở khu vực ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đánh giá cao hiệu quả sản xuất các vụ mùa trong năm 2023. Trong vụ đông xuân sắp tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung yêu cầu các đơn vị chuyên môn trực thuộc bộ, các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch, nhất là phần diện tích xuống giống sớm ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để tránh hạn mặn có thể xảy ra. Các địa phương cần chú trọng lựa chọn, ưu tiên các giống lúa cho năng suất cao và phục vụ xuất khẩu; cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, kiểm tra và gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như “Cánh đồng lớn”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh học”, “Quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá”…
Bài, ảnh: HÀ VĂN