03/03/2010 - 21:04

Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ tiểu cầu máy

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Trung tâm Huyết học-Truyền máu (TT HH-TM) Cần Thơ đã đưa vào vận hành máy chiết tách tế bào tự động. Thiết bị này để sản xuất tiểu cầu máy phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Đây là tin vui không chỉ cho bệnh nhân ở TP Cần Thơ mà còn cho bệnh nhân ở các tỉnh, thành lân cận...

*Tiểu cầu máy... cứu sống bệnh nhân

Trong năm 2009, Khoa Huyết học truyền máu, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu cần truyền tiểu cầu của bệnh nhân. Các trường hợp bệnh nhân còn lại không có tiểu cầu hoặc truyền tiểu cầu không kịp thời như giảm tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu do thai sản (nặng hơn là hội chứng HELP)... thì đương nhiên sẽ dẫn đến rối loạn đông máu rất nặng, chảy máu rất nặng... đưa đến rối loạn đông máu nội mạc lan tỏa (DIC) nặng và cuối cùng là tử vong- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy, Phó trưởng khoa Huyết học truyền máu, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết. Nguyên nhân, trong các chế phẩm sản xuất từ máu toàn phần, tiểu cầu thường lâm vào cảnh thiếu hụt, do tiểu cầu chỉ bảo quản được 5 ngày. Muốn có được 3 đơn vị tiểu cầu truyền cho bệnh nhân cần đến cả chục người hiến máu.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy cho biết thêm: “Nếu bệnh nhân bị giảm tiểu cầu mà có chỉ định can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) thì chúng tôi buộc lòng chuyển bệnh cấp cứu về BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh (ở đây có tiểu cầu chiết tách bằng máy) để cuộc mổ được an toàn và khả năng cứu sống được bệnh nhân cao hơn. Cũng trong năm 2009, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp BV Chợ Rẫy thực hiện 1 trường hợp mổ phình bóc tách động mạch chủ bụng, BV cũng phải đi mua 4 đơn vị tiểu cầu máy của BV Chợ Rẫy, vì tình trạng của bệnh nhân không thể di chuyển an toàn một chặng đường dài”.

Chị Mỹ Dung ở quận Ninh Kiều hiến tiểu cầu truyền cho chồng.  

Trong hầu hết trường hợp bệnh nhân giảm tiểu cầu, có chỉ định can thiệp ngoại khoa, mà tình trạng bệnh nhân không cho phép thực hiện chuyển bệnh cấp cứu, hoặc chờ huy động, thu gom, sàng lọc, sản xuất tiểu cầu, thì y bác sĩ chỉ giải thích người nhà về khả năng tử vong của bệnh nhân gần 100%. Biện pháp duy nhất là phải truyền tiểu cầu và không có một loại thuốc hay chế phẩm máu nào có thể thay thế chế phẩm tiểu cầu trong các trường hợp này.

Tiểu cầu cần thiết cho bệnh nhân như thế nên Tết Nguyên đán các năm trước, những người làm công tác huyết học luôn đón một cái Tết trong âu lo, phấp phỏng. Sợ nhất là bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bệnh nặng cần truyền tiểu cầu ồ ạt vào bệnh viện thì không biết tìm tiểu cầu ở đâu để truyền. Ở những ngày bình thường, tiểu cầu có thiếu nhưng không thiếu nhiều, còn trong dịp Tết nhu cầu cần truyền tiểu cầu tăng (do tai nạn giao thông tăng) nhưng càng đến ngày cận Tết thì người đi hiến máu càng ít. Chính vì thế, Tết Nguyên đán năm 2009 có 5 bệnh nhân nhập viện tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ ngày 21, 22 tháng 12 âm lịch nhưng chờ đến tận chiều 28 Tết cũng không có tiểu cầu để truyền, đành lủi thủi “ôm bệnh” về quê ăn Tết.

Đến chiều ngày 28 tháng 12 âm lịch năm nay, Khoa Huyết học truyền máu, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ không còn dự trữ đơn vị tiểu cầu nào để phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. May mắn là TT HH-TM Cần Thơ đưa máy chiết tách tế bào tự động vào hoạt động. Với máy này chỉ cần 1 người hiến tiểu cầu là đủ dùng cho 1 bệnh nhân. Tính đến ngày 26-2-2010, chỉ riêng tại Khoa Huyết học truyền máu, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận 7 đơn vị tiểu cầu máy, truyền cho 7 bệnh nhân. Do vận động thu gom sàng lọc sản xuất các đơn vị tiểu cầu chiết tách bằng máy kịp thời nên bệnh nhân không bị rối loạn đông máu trầm trọng hơn, cả 7 bệnh nhân nhân đều được cứu sống. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy so sánh giữa tiểu cầu máy và tiểu cầu thường: Tiểu cầu máy khi truyền vào cơ thể người bệnh có khả năng phát huy chức năng đông cầm máu gấp 4 - 5 lần tiểu cầu thường. Chưa kể muốn đạt được hiệu quả đông cầm máu sau truyền tiểu cầu ở bệnh nhân người lớn thì cùng thời điểm chúng ta phải thực hiện truyền ít nhất 4 - 5 đơn vị tiểu cầu thường (tương đương 1 đơn vị tiểu cầu máy). Do vậy, chúng ta chỉ cần huy động 1 người hiến máu cùng nhóm máu bệnh nhân là sản xuất được 1 đơn vị tiểu cầu máy. Trong khi đó, để có được 4 - 5 đơn vị tiểu cầu thường để cấp cứu thì chúng ta phải huy động 12 - 15 người cho tiểu cầu có cùng nhóm máu bệnh nhân. Điều này khó khả thi nếu bệnh nhân mang nhóm máu AB (vì trong cộng đồng người Việt Nam chỉ có khoảng 5% người mang nhóm máu AB). Ngoài ra, vấn đề xung đột miễn dịch giữa người nhận máu và người cho máu ở một lần truyền tiểu cầu thường cũng gấp 12 đến 15 lần so với nhận tiểu cầu máy.

* Những đơn vị tiểu cầu máy ấm tình người

Khi việc hiến tiểu cầu máy mới được triển khai, do được tách trực tiếp trên người hiến nên một số người còn e ngại. Phần lớn là người thân của bệnh nhân hiến. Trước hết người hiến tiểu cầu sẽ được các bác sĩ huyết học tư vấn hiến tiểu cầu, xét nghiệm máu. Sau đó, người hiến nằm trên ghế nệm dài, nhân viên y tế sẽ ghim kim vào ven để lấy máu (cũng giống như hiến máu tình nguyện toàn phần). Tiếp theo, máu theo ống nhựa trực tiếp chảy vào máy chiết tách tế bào. Ly tâm, tách giữ lại tiểu cầu và truyền những thành phần còn lại cho người hiến máu. Việc hiến tiểu cầu máy kéo dài từ 1giờ đến 1 giờ 30 phút.

Hôm đến TT HH-TM Cần Thơ, chúng tôi gặp 3 người đến hiến tiểu cầu máy. Chị Mỹ Dung, nhà ở quận Ninh Kiều, một trong ba người, kể: “Khi ghim kim vào tay thì đau như kiến cắn. Sau đó thì bình thường”. Trong lúc chị Dung hiến máu, người chị chồng liên tục thăm hỏi, động viên. Chị này kể: Chồng chị Mỹ Dung bị viêm gan đã lâu, mấy ngày Tết, vui nên uống hơi quá chén, bị ngộ độc rượu chuyển từ viêm gan sang xơ gan. Hôm qua, bác sĩ bảo cần truyền tiểu cầu nhưng chờ cả ngày cũng chưa có. Vậy là chị Dung tình nguyện hiến tiểu cầu truyền cho chồng. Chị Mỹ Dung cười buồn: “Ảnh đang mê sảng, bác sĩ bảo nếu không được truyền tiểu cầu, ảnh có thể hôn mê, rồi bỏ mẹ con chị mà đi luôn”. Khi chị Dung vừa hiến xong thì có hai người đàn ông tuổi trung niên cũng đến hiến tiểu cầu. Hai người là cậu -cháu, người thì hiến cho chị, người thì hiến cho mẹ. Ông cậu Cao Minh Việt nói: “Từ nhỏ tới giờ tôi có biết hiến máu là gì đâu, hiến tiểu cầu càng không biết. Tôi chỉ biết nếu không có tiểu cầu truyền chắc chị tôi khó qua khỏi nên tôi tức tốc từ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng lên đây”.

Hiến tiểu cầu để truyền cho người thân rất đỗi bình thường nhưng có những người không hề quen biết với bệnh nhân cũng sẵn sàng chìa tay ra hiến. Anh T.V.T., bảo vệ ở TT HH-TM Cần Thơ là một người như thế. Trước đây anh đã 4 lần hiến máu nhưng chưa lần nào hiến tiểu cầu. Khi Trung tâm đưa máy chiết tách tế bào tự động vào hoạt động, anh đã xung phong là người tiên phong hiến trước. Anh cho biết: “Hiến tiểu cầu cũng như hiến máu thôi chỉ khác là thời gian nằm lâu hơn (hiến tiểu cầu mất từ 1-1giờ 30 phút) vì vậy cần ăn no trước khi hiến để tránh bị choáng”. Ngoài anh bảo vệ T., còn nhiều bạn SV không quản đêm hôm, đang nghỉ Tết, khi nhận được điện thoại là sốt sắng chạy đến TT HH-TM Cần Thơ hiến tiểu cầu.

Từ ngày 27 Tết đến rằm tháng Giêng Canh Dần, TT HH-TM Cần Thơ đã cung cấp 14 đơn vị tiểu cầu máy phục vụ cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Nhờ lượng tiểu cầu máy này mà hàng chục bệnh nhân kịp thời được cứu sống. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc TT HH-TM Cần Thơ: “Giá cung cấp 1 đơn vị tiểu cầu máy là hơn 2,6 triệu đồng. Đây chỉ là giá tạm thời để phục vụ cho cấp cứu trong dịp Tết. Sau Tết, Sở Y tế TP Cần Thơ sẽ tổ chức đấu thầu, từ đó có được giá chính thức một đơn vị tiểu cầu máy cung cấp cho bệnh nhân.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết