02/11/2022 - 08:19

Nhân lực khoa học và công nghệ - “chìa khóa” để ĐBSCL phát triển bền vững 

Bái, ảnh: DUY KHÔI

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển bền vững vùng ÐBSCL và đã có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Riêng với TP Cần Thơ, Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, cũng mở ra rất nhiều triển vọng để Cần Thơ cùng với ÐBSCL cất cánh. Một trong những giải pháp chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ÐBSCL chính là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KHCN).

Tại Diễn đàn Phát triển bền vững ÐBSCL 2022 (SDMD 2022) do Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức mới đây, vấn đề này được bàn thảo khá nhiều. Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học vùng ÐBSCL đang từng bước được hoàn thiện. Bên cạnh TP Cần Thơ là trung tâm giáo dục đại học, hầu hết các tỉnh trong vùng cũng đã có trường đại học, được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, nhân lực. Các trường đại học vùng ÐBSCL đã cung ứng hàng trăm ngàn lao động đã qua đào tạo đại học mỗi năm. Trong đó, Trường Ðại học Cần Thơ luôn giữ vai trò đầu tàu.

Tại SDMD 2022, Trường Ðại học Cần Thơ đã ký kết hợp tác với nhiều tổ chức, đơn vị, trường học, doanh nghiệp nhằm gia tăng nguồn lực đào tạo. Trong ảnh: GS.TS Hà Thanh Toàn ký kết hợp tác với lãnh đạo Trường Ðại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: Trường hiện có nguồn lực gần 2.000 giảng viên, viên chức, người lao động và 45.000 sinh viên, học viên, tiếp cận nền KHCN tiên tiến, liên ngành, chuyên sâu. Cơ sở vật chất của trường cũng được nâng cấp hiện đại thông qua Dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản; mạng lưới các đối tác trong nước và quốc tế phong phú. Ðây chính là cơ sở để Trường Ðại học Cần Thơ đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao cho vùng ÐBSCL cũng như cả nước.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Tại TP Cần Thơ, đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao ngày càng tăng. Thành phố hiện có 6.768 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó 970 người có học vị tiến sĩ (chiếm 13,1%, tăng 2,2 lần so với năm 2015), bao gồm 23 Giáo sư, 206 Phó giáo sư, hoạt động trong các cơ sở giáo dục và đào tạo (67,4%), tổ chức dịch vụ KHCN (4,9%), tổ chức nghiên cứu và phát triển (4%), cơ quan quản lý nhà nước (1,2%) và các đơn vị sự nghiệp khác (22,4%). Hàng năm, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của thành phố tham gia thực hiện gần 900 đề tài, dự án các cấp thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... Ðây là lực lượng nòng cốt trong tiếp thu, làm chủ và đổi mới sáng tạo, có nhiều công trình, sáng kiến, giải pháp góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, năng suất lao động và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Bảo Anh (Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ), đang có tình trạng “chảy máu chất xám” ở vùng ÐBSCL. Tình trạng này diễn ra ở 3 cấp độ: nhỏ, trung bình và lớn. Ở phạm vi nhỏ, đó là sự dịch chuyển nguồn nhân lực trong các thành phần kinh tế, mà việc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước dịch chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là điển hình. Ở phạm vi trung bình, đó là sự dịch chuyển nguồn nhân lực từ địa phương này sang địa phương khác, từ đó dẫn đến hệ lụy nơi thừa nơi thiếu. Ở phạm vi lớn, tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra bởi xu thế dịch chuyển nhân lực giữa các quốc gia, khu vực.

Theo bà Lê Thị Bảo Anh, dù diễn ra ở cấp độ nào thì “chảy máu chất xám” vẫn gây ra sự thất thoát nguồn nhân lực lao động giỏi, lao động KHCN chất lượng cao. Riêng với khu vực ÐBSCL, bà Lê Thị Bảo Anh chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến “chảy máu chất xám”, gồm: cơ hội việc làm chưa phong phú và chưa phù hợp; ÐBSCL chưa có chính sách thu hút nhân lực bền vững; trình độ phát triển KHCN ở ÐBSCL còn hạn chế. Vì vậy, ngoài việc có nhiều chính sách thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, một giải pháp chú ý được bà Lê Thị Bảo Anh nêu ra là xây dựng các kế hoạch để thu hút nhân tài “hồi hương”, trong đó nhấn mạnh vai trò của các dự án liên kết giáo dục đối với các nước đang phát triển.

Không gian Sáng chế Trường Ðại học Cần Thơ là nơi chắp cánh cho sinh viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao cho vùng ÐBSCL.

Với đặc thù kinh tế nông nghiệp ở vùng ÐBSCL, tạo nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp số đang là xu hướng và được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư. TS Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc điều hành RYNAN Technologies Vietnam, mang đến SDMD 2022 một câu chuyện thú vị. Cuối năm 2019, cùng với GS.TS. Võ Tòng Xuân và Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (“cha đẻ” gạo ngon nhất thế giới ST25), ông Mỹ được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”. Nhiều người thắc mắc, thầy Xuân và bác Cua thì công lao, thâm niên đã rõ, còn ông Mỹ dấn sâu vào nông nghiệp chưa lâu thì được vinh danh gì lý do gì. Ông Mỹ trả lời vui rằng: Thầy Xuân và bác Cua làm nông nghiệp “dưới đất” còn ông thì làm nông nghiệp “trên mây”. Lời nói nửa đùa nửa thật của ông Mỹ nhưng lại phản ánh đúng lĩnh vực mà ông theo đuổi - nông nghiệp số. RYNAN Technologies Vietnam tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số để xây dựng những quy trình sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững hơn trong nông nghiệp và thủy sản.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ cũng đề xuất một mô hình rất hay trong thu hút nhân tài cho lĩnh vực KHCN ở ÐBSCL là RYNAN Technologies Vietnam sẽ đồng hành cùng Trường Ðại học Cần Thơ thành lập chương trình “sinh viên vừa đi học vừa đi làm” (Cooperative Education - Co-Op). Theo đó, sinh viên từ năm thứ 2, mỗi năm sẽ đi làm 4 tháng có lương và về lại trường 8 tháng để học chuyên môn. Như vậy trong 4 năm đi học, sinh viên sẽ có 3 lần đi làm Co-Op. RYNAN Technologies Vietnam đã từng hợp tác với nhiều trường đại học thực hiện Co-Op suốt 16 năm qua và rất thành công.

Tham luận tại SDMD 2022, UBND TP Cần Thơ cho biết: KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung quan trọng đã được xác định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cần Thơ xác định mục tiêu xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện và bền vững nguồn nhân lực thành phố, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ trí thức, cán bộ chuyên môn, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý. Ðây cũng chính là những giải pháp cơ bản nhằm giảm thiểu tình trạng “chảy máu chất xám”, phát triển nhân lực KHCN trong thời gian tới ở TP Cần Thơ.

Phát biểu kết luận SDMD 2022, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, khẳng định: Ðể góp phần phát triển nhân lực KHCN khu vực ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, Trường Ðại học Cần Thơ sẽ đóng góp nguồn lực nội tại cũng như phát huy những lợi thế, tiềm năng hiện có để thực hiện mục tiêu phát triển vững ÐBSCL. Cụ thể, mọi nguồn nhân lực có trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực kết hợp với cơ sở vật chất đang được hiện đại hóa, trường sẽ thực hiện tốt cơ chế hợp tác và chia sẻ nguồn lực nhằm tạo ra giá trị và lợi ích cho địa phương và cộng đồng.

Chia sẻ bài viết