“Lão hóa nhanh” và tỷ lệ ung thư gia tăng được cho là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, lối sống, chế độ ăn uống và môi trường. Nhưng dữ liệu mới cho thấy những lựa chọn cụ thể về lối sống có thể là nguyên nhân khiến Gen Z già nhanh hơn các thế hệ trước.
Jordan (26 tuổi) thường bị nhầm là anh trai của mẹ.
Trong các bài đăng được xem hàng triệu lần trên ứng dụng chia sẻ video TikTok, có nội dung gây chú ý đặc biệt khi cho rằng một thế hệ thanh niên Gen Z, dưới 27 tuổi, trông già hơn thế hệ trước họ là Millennial (sinh từ 1981 đến 1996). Một trong những người đầu tiên lên tiếng xác nhận là Jordan Howlett, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, hiện mới 26 tuổi. Người này đã thú nhận với 12 triệu người theo dõi rằng anh thường xuyên bị nhầm là anh trai của mẹ mình. “Chúng ta đang sống trong thời đại mà thế hệ Millennial trông trẻ hơn nhiều so với tuổi của họ, trong khi Gen Z trông già hơn” - anh nói trong một video TikTok.
Các nhà khoa học gần đây đã tìm ra một số bằng chứng cho thấy Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) đang già nhanh hơn tuổi.
Nghiên cứu của Ðại học Washington (Mỹ) được công bố tại hội nghị ung thư quốc tế cho thấy, những người trẻ tuổi được chẩn đoán mắc một số loại ung thư - đặc biệt là phổi, đường tiêu hóa và tử cung - chủ yếu là do “lão hóa nhanh”. Nói một cách đơn giản, tuổi của các tế bào trong cơ thể họ - được gọi là tuổi sinh học - lớn hơn đáng kể so với tuổi thực tế.
Giáo sư Ilaria Bellantuono, Giám đốc Viện Tuổi thọ Khỏe mạnh tại Ðại học Sheffield (Anh), là một trong những người tin rằng Gen Z đang già đi nhanh hơn thế hệ trước và lão hóa sinh học khiến họ có nguy cơ phát triển nhiều bệnh mãn tính hơn. “Chúng ta đang chứng kiến nhiều bệnh tật hơn ở những người trẻ tuổi, những loại bệnh mà chúng ta thường cho rằng sẽ phát triển ở những người lớn tuổi” - bà dẫn chứng.
Các chuyên gia lý giải rằng ở những người trẻ và khỏe mạnh, tế bào thường có thể tự sửa chữa và làm mới. Nhưng khi họ già đi - một cách tự nhiên hoặc sớm - quá trình này có thể rối loạn. Các tế bào tích tụ những tổn thương mà chúng không thể sửa chữa và biến thành “tế bào thây ma”, có thể gây viêm và phát triển bệnh tật. Trước đây, việc chẩn đoán ung thư hiếm khi xảy ra ở độ tuổi dưới 50, nhưng ngày nay, các nhà khoa học ghi nhận khối u khởi phát sớm ngày càng gia tăng ở người trẻ trên khắp thế giới.
Cần kiểm soát các yếu tố lối sống nguy hại
Ngoài yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và lối sống, một số thói quen sống đang phổ biến trong giới trẻ thực sự bào mòn sức khỏe của họ.
“Ðại dịch thuốc lá điện tử” có thể gây ra tình trạng lão hóa sớm. Theo đó, nicotin trong thuốc lá phá hủy collagen, thành phần giúp da săn chắc, từ đó đẩy nhanh quá trình hình thành nếp nhăn. Nó cũng có thể khiến các mạch máu nhỏ bị thu hẹp, làm giảm khả năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho da. Một nghiên cứu của Ðại học Ohio (Mỹ) cũng cho thấy những người hút thuốc lá điện tử có dấu hiệu lão hóa phổi nhanh hơn so với những người không hút thuốc.
Sự cô đơn cũng góp phần khiến Gen Z già nhanh hơn. Gen Z được mô tả là “thế hệ cô đơn nhất”, với khoảng 73% nói rằng họ đôi khi hoặc luôn luôn cảm thấy cô đơn. Các chuyên gia cho biết người cô đơn thường ít tập thể dục hoặc ăn uống lành mạnh, nên rất hại sức khỏe. Trong khi đó, cô đơn kéo dài có thể gây tổn hại tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và người bị cô lập xã hội có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 32%.
Nói về lý do mình già trước tuổi, Jordan Howlett khẳng định: “Chủ yếu là do căng thẳng”. Thật vậy, stress là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể khiến người ta già đi nhanh hơn. Theo Hệ thống Y tế Anh, năm 2023, cứ 5 người từ 20-25 tuổi ở nước này thì có 1 người bị rối loạn sức khỏe tâm thần. Tiến sĩ Julian Mutz tại Ðại học Hoàng đế Luân Ðôn cho biết người có sức khỏe tâm thần kém thường ít khi vận động và trải qua quá trình lão hóa nhanh hơn.
Nhìn chung, các chuyên gia đều khuyên rằng chăm sóc sức khỏe - gồm ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục và kiểm soát stress - là những điều mà thế hệ Gen Z cần theo đuổi để “chống già”.l
LÊ THƯ (Theo Daily Mail)