10/02/2010 - 20:42

XUNG QUANH VIỆC TRẢ KẾT QUẢ CẬN LÂM SÀNG CỦA ĐỐI TƯỢNG KHÁM CHỮA BỆNH THEO CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM Y TẾ

Người dân bức xúc...

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền đang khám và trị bệnh cho bệnh nhân thuộc đối tượng bảo hiểm y tế.

Thời gian qua, nhiều trường hợp có bảo hiểm y tế (BHYT) đến khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế (CSYT) trên địa bàn TP Cần Thơ tỏ ra rất bức xúc. Nguyên nhân do tất cả kết quả cận lâm sàng như: phiếu xét nghiệm, siêu âm, phim chụp X quang, điện tim… của bệnh nhân không được các CSYT bàn giao cho người khám bệnh, gây khó khăn cho thầy thuốc và người bệnh vì khi đến tái khám, hoặc có nhu cầu đến KCB ở các CSYT khác, bệnh nhân phải làm lại các kết quả cận lâm sàng, rất mất thời gian chờ đợi, phiền hà, tốn kém...

Tốn kém, phiền hà

Chị Trần Thị Huề, 35 tuổi, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết thời gian qua, chị mua BHYT và đăng ký KCB tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Gần đây, chị phát hiện mình bị bệnh sỏi thận, nên khi đến khám, các bác sĩ thường yêu cầu chị phải chụp X quang, làm một số xét nghiệm, siêu âm... Thế nhưng, bệnh viện không trả lại các kết quả này cho chị, nên cứ mỗi lần đến tái khám chị lại phải làm lại các bước này, vừa mất thời gian chờ đợi, vừa tốn thêm các khoản chi phí. Còn chị Nguyễn Thị Quyên, ở phường An Khánh, kể: “Tôi mua BHYT và đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Cuối năm rồi, khi đến khám, chụp X quang, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh lao phổi và giới thiệu tôi chuyển đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ để điều trị. Do không được bệnh viện giao trả các kết quả xét nghiệm, phim chụp X quang... nên lúc đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ tôi phải chờ đợi nửa ngày và phải tốn thêm chi phí để làm lại các khâu này”.

Không chỉ riêng các bệnh nhân, nhiều bác sĩ cho rằng việc giữ lại các kết quả cận lâm sàn cũng gây khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Bá Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền, giải thích: “Chúng tôi giữ các kết quả cận lâm sàng là do quy định của Bảo hiểm Xã hội thành phố, bởi đây là cơ sở pháp lý để hàng quý cơ quan Bảo hiểm Xã hội thành phố đến giám định chi phí thanh toán khám chữa bệnh BHYT. Thực ra, bệnh viện giữ lại các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân chẳng có ý nghĩa gì”. Một bác sĩ (đề nghị không nêu tên), cho biết: “Mặc dù giữ lại kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân đăng ký KCB BHYT, nhưng khi bệnh nhân đến KCB lần sau, các bác sĩ không thể tra cứu lại hồ sơ KCB, vì thế không có cơ sở tham khảo tình trạng bệnh của bệnh nhân trước đó, diễn biến của các căn bệnh để kê toa và đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp cho bệnh nhân”.

Trước những bức xúc của các đối tượng tham gia BHYT ở TP Cần Thơ, ngày 27-10-2009, Sở Nội vụ TP Cần Thơ có Công văn 1369/SNV-CCHC gửi Bảo hiểm Xã hội và Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị bãi bỏ việc thu hồi kết quả cận lâm sàng của người bệnh tham gia BHYT khi đến KCB theo chế độ BHYT. Sau khi Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ xin ý kiến chỉ đạo của trên, ngày 22-12-2009, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có Công văn số 4876/BHXH-CSYT “Về việc vướng mắc trong công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT” gửi Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ. Nội dung Công Văn nêu rõ: “Theo quy định hiện hành, cơ sở KCB chỉ lưu lại phiếu đọc kết quả xét nghiệm cận lâm sàng của người bệnh trong hồ sơ bệnh án khi người bệnh điều trị nội trú và điều trị ngoại trú có bệnh án theo dõi. Khi đó người bệnh không giữ phiếu đọc kết quả xét nghiệm. Trường hợp người bệnh cần kết quả xét nghiệm để phục vụ cho các lần khám bệnh sau thì làm thủ tục sao lại hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế. Khi người bệnh làm thủ tục thanh toán chi phí KCB BHYT ngoại trú (trừ trường hợp điều trị ngoại trú có bệnh án theo dõi) phải xuất trình chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc... làm cơ sở để cơ sở KCB lập phiếu thanh toán ra viện”. Như vậy, nội dung công văn này chỉ cho phép các CSYT trả lại kết quả cận lâm sàng cho những bệnh nhân ngoại trú không có bệnh án theo dõi. Căn cứ nội dung công văn này, ngày 13-1-2010, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo các CSYT trực thuộc thực hiện trả kết quả cận lâm sàng cho các bệnh nhân KCB BHYT ngoại trú không có bệnh án theo dõi.

Vẫn còn bức xúc

Theo Công văn số 4876/BHXH-CSYT “Về việc vướng mắc trong công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT” của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gửi Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ và Công văn 72/SYT-NVY của Sở Y tế TP Cần Thơ chỉ đạo các CSTY trực thuộc thì hiện nay đối với những trường hợp KCB BHYT nội trú và ngoại trú có bệnh án theo dõi không được trả các kết quả cận lâm sàng, nếu người bệnh cần kết quả xét nghiệm để phục vụ cho các lần khám bệnh sau thì làm thủ tục sao lại hồ sơ bệnh án. Tuy nhiên, theo Bác sĩ chuyên khoa II Võ Hồng Sở, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, các kết quả như xét nghiệm máu, siêu âm điện tim... người bệnh có nhu cầu bệnh viện có thể phô tô được, còn phim chụp X quang thì không thể phô tô, chính vì thế, khi bệnh nhân đến tái khám hoặc đến các CSYT khác để KCB lần sau thì cũng phải chụp lại X quang. Như vậy có nghĩa là các bệnh nhân KCB BHYT có bệnh án vẫn phải phiền hà, tốn thêm chi phí làm kết quả cận lâm sàng khi KCB lần sau. Anh Phạm Văn Mạnh, một bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nói: “Theo suy nghĩ của tôi, việc cơ quan BHYT giữ các kết quả xét nghiệm và phim chụp X quang... để giám định chi phí thanh toán khám chữa bệnh vừa gây khó khăn cho người bệnh, vừa gây lãng phí do người bệnh phải làm các xét nghiệm cận lâm sàn nhiều lần. Tôi đề nghị, với những trường hợp KCB theo chế độ BHYT, cơ quan khám chữa bệnh nên có một phiếu liệt kê các loại hình xét nghiệm cận lâm sàn mà bệnh nhân đã làm, trong đó có xác nhận của bệnh nhân; phiếu này là cơ sở cho cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán khám chữa bệnh theo chế độ BHYT”.

Về vấn đề này, tại Công văn 1369/SNV-CCHC ngày 27-10-2009, gửi Bảo hiểm Xã hội và Sở Y tế TP Cần Thơ, ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định: Kết quả cận lâm sàng thuộc quyền sở hữu của người bệnh, vì người bệnh đã thanh toán chi phí thông qua BHYT để có kết quả đó, vì thế việc định đoạt đó thuộc quyền quyết định của người bệnh. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét bãi bỏ việc lưu giữ các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân KCB BHYT nội trú và ngoại trú có bệnh án để giảm bớt phiền hà, tốn kém cho người dân, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho quỹ BHYT của nhà nước cũng như khối lượng công việc của các CSYT.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết