24/09/2013 - 22:12

Nghiên cứu nhân rộng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng

(CT) -Ngày 24-9-2013, Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu (BĐKH) Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Huế tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kết quả đánh giá chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Lâm Đồng". Đại diện các sở, ngành chức năng thuộc một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Huế và trong khu vực ĐBSCL... đến tham dự.

Theo các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế Huế, suy giảm tài nguyên rừng đang diễn ra ở nhiều vùng trên cả nước và gây ra nhiều tác động đối với môi trường, sinh kế của cộng đồng, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số sống trong rừng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng (sử dụng nước cho hoạt động sản xuất điện, nuôi trồng thủy sản; sử dụng cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái của rừng cho phát triển du lịch; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng...) có thể bảo vệ và tiếp tục phát triển rừng, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng. Qua 2 năm thực hiện, Chương trình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng đã thu được hơn 4,46 triệu USD, được sử dụng để chi trả cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán hoặc có trách nhiệm bảo vệ rừng, tái tạo và phát triển rừng... Chương trình này còn nhằm mục tiêu phát triển rừng, hạn chế và chống tác động xấu từ BĐKH. Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Huế đã thực hiện Dự án "Đánh giá chương trình thí điểm về chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam" tại tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, nhóm nghiên cứu xác định việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là hợp lý, đúng theo quy định của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. ĐBSCL là khu vực có rừng (ở các tỉnh ven biển, vùng bảy núi...) cần áp dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng để có điều kiện bảo vệ, tái tạo và phát triển rừng đồng bằng trong tương lai. Tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở ĐBSCL cần có thời gian để triển khai thực hiện, trong đó chú trọng biện pháp tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh, sản xuất có liên quan chấp nhận và hiểu rõ tác dụng của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng...

H.V

Chia sẻ bài viết