NGHỊ QUYẾT
Thông qua Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TP CẦN THƠ KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch ngày 22 tháng 12 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long;
Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;
Căn cứ Công điện số 965/CĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất;
Căn cứ Thông tư số 04/2023/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn yêu cầu nội dung và kỹ thuật của cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch và sơ đồ, bản đồ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;
Căn cứ Công văn số 6356/BKHĐT-QLQH ngày 08 tháng 8 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 vào quy hoạch tỉnh;
Căn cứ Báo cáo số 1645/BC-HĐTĐ ngày 09 tháng 3 năm 2023 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thẩm định Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Công văn số 5188/CV-HĐTĐ ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng thẩm định về việc tổng hợp ý kiến rà soát Hồ sơ quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Xét Tờ trình số 225/TTr-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thông qua Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban đô thị; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chính như sau:
I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Cần Thơ bao gồm toàn bộ thành phố Cần Thơ, với tổng diện tích tự nhiên là: 1.440,40 km2, gồm: 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có 05 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 04 huyện (Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh). Tọa độ địa lý từ 9°55’08’’ đến 10°19’38’’ vĩ độ Bắc và 105°13’38’’ đến 105°50’35’’ kinh độ Đông. Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh An Giang; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Hậu Giang; phía Đông tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
a) Phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.
b) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội:
- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
- Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn, thật sự cần thiết và cấp bách tạo động lực phát triển cho thành phố.
- Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.
c) Phát triển cân bằng cả ba lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường:
- Phát huy tối đa nội lực và ngoại lực, đặc biệt là các liên kết vùng và kết nối hạ tầng vùng; chú trọng yếu tố thị trường và hợp tác giữa các thành phần kinh tế trong phát triển; lấy yếu tố công nghệ, hiện đại làm trọng tâm; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ.
- Lấy con người làm trung tâm, chú trọng mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội của người dân; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa.
- Phát triển theo hướng đảm bảo bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên đặc trưng.
d) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
(Còn tiếp)