09/07/2017 - 16:38

Nghề may gia công

Là huyện ngoại thành, người dân Vĩnh Thạnh sinh sống chủ yếu bằng nghề mua bán nhỏ, làm nông nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Thạnh đẩy mạnh điều tra khảo sát nhu cầu học nghề gắn với giải quyết việc làm. Trong đó, nghề may gia công (MGC) được xem là giải pháp thiết thực, giúp nhiều hội viên tận dụng hiệu quả thời gian nhàn rỗi để cải thiện kinh tế gia đình.

Đầu tháng 6-2017, tổ hợp tác MGC, ở ấp Qui Long, xã Thạnh Mỹ ra mắt và đi vào hoạt động. Tuy mới hoạt động 1 tháng nhưng kết quả đạt được rất phấn khởi. Theo chị Đào Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Mỹ, hiện tổ hợp tác MGC có 11 thành viên, đa phần được tham gia lớp nghề may do Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Thạnh tổ chức. Để giúp chị em phát huy tay nghề, Hội tập hợp chị em vào mô hình tổ hợp tác MGC. Chị Đào Thị Mỹ Trang, Tổ trưởng tổ hợp tác MGC, cho biết: "Hoạt động tổ hợp tác và đầu mối tiêu thụ sản phẩm rất ổn định. Cách 2 - 3 ngày, tôi liên hệ cơ sở tư nhân nhận khoảng 200 bộ (quần áo em bé, đồ bộ và áo khoác) về phân bổ để các thành viên may gia công". Với giá gia công dao động từ 2.500 đồng – 6.000 đồng/bộ, bình quân mỗi chị thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng, tùy số lượng sản phẩm. Theo chị Trang, trước đây, chị từng làm công nhân may tại các công ty. Do việc làm, thu nhập bấp bênh nên chị Trang xin nghỉ, ở nhà làm ruộng. Từ khi tham gia tổ, chị không bị gò bó về thời gian, vừa có thể chăm sóc gia đình và vừa có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Hội viên phụ nữ xã Thạnh Mỹ có thu nhập ổn định nhờ nghề may gia công.

Không riêng tổ hợp tác MGC xã Thạnh Mỹ, cơ sở MGC tại thị trấn Thạnh An được duy trì nhiều năm qua. Thấu hiểu nhu cầu việc làm của phụ nữ nông thôn, chị Phan Thị Phương Uyên, chủ cơ sở MGC (ở ấp Thầy Ký), cho biết: "Đa số chị em canh tác ruộng, vườn nên thời gian nông nhàn khá nhiều. Các chị mong muốn có việc làm tại chỗ, thuận tiện chăm sóc gia đình. Từng học may và thấy được hướng phát triển nghề MGC, năm 2015, tôi mở cơ sở may để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm, giúp chị em thêm thu nhập". Chị Uyên đầu tư máy móc, nhận hàng MGC từ các cơ sở ở thành phố chuyển về để các thành viên đến nhà chị nhận hàng gia công. Để phát triển mô hình, Hội LHPN thị trấn Thạnh An giới thiệu các hội viên có tay nghề tham gia cơ sở MGC. Hiện tổ hợp tác có hơn 20 thành viên tham gia (lúc đầu có 5 thành viên). Mặt hàng gia công chủ lực của cơ sở là quần áo trẻ em, với giá gia công từ 5.000 đồng – 6.000 đồng/bộ. Theo chị Uyên, người theo nghề này nếu siêng năng, tỉ mỉ, mỗi tháng thu nhập trên 3 triệu đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Thời gian qua, nhiều chị em có cuộc sống ổn định, vươn lên phát triển kinh tế gia đình nhờ nghề MGC.

Theo chị Huỳnh Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, góp phần hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, từ đầu năm 2017, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ít nhất 1 đến 2 mô hình, tổ hợp tác, tổ liên kết về phát triển kinh tế, hỗ trợ chị em tăng thu nhập. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, các cấp Hội ra mắt 6 mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các đơn vị liên quan mở 2 lớp nghề kỹ thuật làm móng và 1 lớp nghề chăn nuôi thú y cho 105 hội viên phụ nữ; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 654 chị, trong đó, có 52 chị vào làm việc tại Nhà máy may Vinatex Cần Thơ. Theo chị Phượng, nghề may là nghề mang lại hiệu quả khả quan, thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình tổ hợp tác MGC; mở rộng đầu mối để giúp hội viên tăng thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện mức sống gia đình…

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết