13/06/2008 - 00:05

Đào tạo theo hệ thống tín chỉ hệ vừa làm vừa học

Nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo

Sau khi chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ một cách triệt để ở hệ chính qui, Trường Đại học Cần Thơ bắt đầu triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ đối với hệ vừa làm vừa học (VLVH) ở các đơn vị liên kết. Sự chuyển đổi này nằm trong tiến trình rút ngắn khoảng cách giữa hệ chính qui và hệ VLVH, tiến tới thống nhất áp dụng một chương trình đào tạo, quản lý đào tạo, sử dụng chung một ngân hàng đề thi, cấp một loại bằng... cho cả 2 hệ. Tuy nhiên, việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ ở hệ VLVH gặp không ít khó khăn bởi những đặc thù về điều kiện học tập, đối tượng học tập của hệ này.

HIỆU QUẢ HỌC TẬP CAO HƠN...

Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), khẳng định: “Đặc điểm của học chế tín chỉ là hiệu quả học tập cao bởi đòi hỏi sinh viên phải năng động, tự học”. Theo đó, cùng 1 chương trình đào tạo 4 năm ở bậc đại học, nếu theo học chế niên chế, sinh viên có 180 giờ học trên lớp và 180 giờ tự học; còn theo học chế tín chỉ, sinh viên có 120 giờ học trên lớp và 240 giờ tự học. Việc chuyển đổi sang học chế tín chỉ dựa trên đổi mới phương pháp dạy và phương pháp học.

Trường ĐHCT đã xây dựng chương trình đào tạo chính qui theo học chế tín chỉ của 74 ngành. Trong đó, các ngành bậc cao đẳng có thời gian đào tạo 3 năm gồm 94 tín chỉ; các ngành bậc đại học có thời gian đào tạo 4 năm gồm 138 tín chỉ; các ngành bậc đại học có thời gian đào tạo 5 năm gồm 158 tín chỉ. Chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ của các loại hình đào tạo liên thông, bằng 2, hệ VLVH... được xây dựng trên cơ sở chương trình chính qui. Tiến sĩ Đỗ Văn Xê cho biết: “Hệ VLVH hiện đang vận hành theo học chế niên chế nhưng trường khuyến khích giảng viên giảng dạy theo phương pháp của học chế tín chỉ. Bắt đầu học kỳ I năm học 2008-2009, hệ VLVH sẽ áp dụng chương trình của học chế tín chỉ”.

Giờ thực hành Tin học của học viên Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ. Ảnh: B.NGỌC 

Theo ông Phan Huy Củng, Phó phòng Đào tạo Trường ĐHCT, việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ đối với hệ VLVH của Trường ĐHCT có những thuận lợi nhất định khi lâu nay trường đã áp dụng đào tạo 1 chương trình cho cả 2 hệ: chính qui và VLVH. Mặt khác, 4 năm qua, trong tuyển sinh hệ không chính qui, Trường ĐHCT cũng đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Ông Củng nói: “Đối với các khóa tuyển sinh năm 2007-2008 trở về sau, việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ không có gì vướng mắc. Nhưng đối với các khóa cũ, việc chuyển đổi sẽ khó khăn hơn. Ngay cả hệ chính qui cũng thế”.

Trường ĐHCT đã xây dựng lộ trình chuyển đổi sang học chế tín chỉ ở hệ VLVH. Theo đó, tháng 6-2008, Ban Giám hiệu và Hội đồng Khoa học của trường sẽ duyệt chương trình chuyển đổi của các khoa, bộ môn. Tháng 7-2008, các đơn vị liên kết sẽ thông báo, triển khai chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ cho các giảng viên, sinh viên. Và từ 25-8-2008, Trường ĐHCT thống nhất thực hiện chương trình tín chỉ cho tất cả các lớp, các khóa do trường liên kết đào tạo.

Tại Hội nghị “Đào tạo theo hệ thống tín chỉ hệ VLVH giữa Trường ĐHCT và các đơn vị liên kết” do Trường ĐHCT tổ chức vào tháng 5 vừa qua, các đơn vị liên kết đều thống nhất cao với việc chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Đây được xem là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo ở hệ VLVH. Tuy nhiên, với những đặc thù về điều kiện học tập, đối tượng học tập... của hệ VLVH, các đơn vị liên kết vẫn còn không ít những băn khoăn trước sự chuyển đổi này.

CẦN CÓ SỰ CHUẨN BỊ KỸ VỀ NHIỀU MẶT...

Một trong những vấn đề khiến các đơn vị liên kết đào tạo với Trường ĐHCT vẫn còn băn khoăn khi chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ là tinh thần tự học của sinh viên. Theo phân tích của ông Nguyễn Bình Đẳng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Cà Mau, phương pháp truyền thống- phương pháp thuyết giảng- vốn phù hợp với những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, lại quen thuộc với những người lớn tuổi. Bước đầu chuyển sang phương pháp mới, người học sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, ở hệ VLVH, thực tế là học viên làm nhiều hơn học, ít tự nghiên cứu. Do đó, khi chuyển sang học chế tín chỉ, thời gian học trên lớp rút ngắn lại, thời gian tự nghiên cứu nhiều hơn và phải có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, nhận thức cho học viên. Ông Nguyễn Bình Đẳng đề xuất: “Phải dành một thời gian để quán triệt cho người học về ý thức tự giác nghiên cứu tài liệu, phương pháp nghiên cứu tài liệu...”.

Cùng trăn trở vấn đề này, bà Võ Thị Sinh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Kiên Giang, nêu thực tế ở Trường CĐCĐ Kiên Giang khi chuyển từ điểm danh sang không điểm danh mà chỉ chấm điểm chuyên cần thì sĩ số của lớp học giảm đáng kể. Bà Sinh nhấn mạnh: “Chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Nếu giáo viên không nâng cao được ý thức tự học của sinh viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”. Ông Trần Văn Chiêu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bạc Liêu, thì cho rằng sinh viên chưa có phương pháp tự học, tự nghiên cứu nên giảng viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp, hướng dẫn để sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu.

Chương trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy, phương tiện giảng dạy... cũng là những vấn đề mà các đơn vị liên kết đào tạo với Trường ĐHCT quan tâm khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ. Theo ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bạc Liêu, chuyển tải tài liệu học tập đến người học không phải là chuyện khó trong thời đại thông tin như hiện nay. Có thể chuyển đĩa CD, USB hoặc đưa lên trang web của Trường ĐHCT... Vấn đề là học liệu phải được soạn cho phù hợp với hình thức đào tạo VLVH. Ông Hùng nêu thực tế: “Phần lớn giảng viên của Trường ĐHCT đã tiếp cận với phương pháp giảng dạy tích cực và áp dụng thông qua việc tổ chức học nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy... Tuy nhiên, vẫn còn một số giảng viên chưa quen với phương pháp mới, chưa nắm rõ tinh thần của việc chuyển đổi, nhất là những giảng viên đã nghỉ hưu, được mời giảng”.

Theo bà Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ, hiện nay, chương trình, tài liệu, phương tiện giảng dạy ở các đơn vị liên kết đào tạo với Trường ĐHCT vẫn còn hạn chế. Do đó, cần có sự phối hợp tốt hơn của giảng viên. Bà Bình nhấn mạnh: “Giáo trình phải phù hợp, thống nhất và giảng viên nào được mời giảng cũng phải thực hiện theo giáo trình đó. Phương pháp giảng dạy phải kích thích người học tự học. Trường ĐHCT cũng phải có kế hoạch học tập hàng năm cho từng đơn vị liên kết”.

* * *

Bàn về việc chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ, các đơn vị liên kết với Trường ĐHCT vẫn còn không ít băn khoăn về những vấn đề khác, như: tổ chức thi, chấm - trả bài thi theo qui định của học chế tín chỉ; giải quyết tồn đọng của những khóa cũ, nhất là những sinh viên rớt học phần... Tuy nhiên, các đơn vị liên kết đều đồng thuận với sự chuyển đổi này và xem đây là nền tảng để phấn đấu nâng chất lượng đào tạo hệ VLVH ngang với chất lượng đào tạo của hệ chính qui. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, khẳng định trường sẽ có giải pháp cho những vấn đề các đơn vị liên kết nêu ra. Cụ thể là sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, tập huấn cho cán bộ giảng viên của Trường ĐHCT và của các đơn vị liên kết để thực hiện học chế tín chỉ hiệu quả hơn. Học liệu sẽ được chuyển đến các cơ sở liên kết vào đầu học kỳ... Ông Tuấn kết luận: “Trong giai đoạn chuyển đổi nếu kỳ vọng chất lượng tăng ngay thì rất khó. Tuy nhiên, lùi một bước để tiến tới nhiều bước. Nếu chuẩn bị kỹ thì bước lùi sẽ ít hơn”.

NGUYỄN KHUÊ

Chia sẻ bài viết