18/11/2011 - 08:22

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:

Nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân

* Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn

(TTXVN)- Sáng 17-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII; phân tích thêm và thảo luận về các quan điểm, căn cứ lập chương trình, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII theo danh mục các dự án thuộc chương trình chính thức, chương trình chuẩn bị và theo từng lĩnh vực; thảo luận về các biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII để khắc phục được các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm...

Đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, nhiều ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 46/TTr-UBTVQH13. Mặc dù Quốc hội khóa XII chỉ có 4 năm nhưng Quốc hội đã quyết định rất nhiều các vấn đề quan trọng của đất nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp tục ban hành được số lượng lớn các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng và an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Chiều 17-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, từng bước hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và của xã hội. Đây là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật. Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh), Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nhận định Luật muốn đi vào cuộc sống thì khâu đặc biệt quan trọng là tuyên truyền phổ biến đến người thụ hưởng. Trong thực tiễn, chúng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo dưới Luật rải rác nhưng chưa hiệu quả.

Sau khi dẫn chứng một số vụ việc như vụ vỡ nợ bạc tỉ chỉ với vài dòng chữ viết tay hay tình trạng đinh tặc, chỉ vì vài chục ngàn đồng mà ảnh hưởng tới tính mạng người đi đường, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” có từ năm 1980 nhưng vẫn chỉ là khẩu hiệu, chưa đi vào cuộc sống. Hiểu biết pháp luật của người dân còn rất hạn chế, quan điểm không biết không có tội là khá phổ biến, do đó cần thiết phải ban hành Luật để đảm bảo thông tin pháp luật có tính phổ biến hơn việc quy định riêng lẻ như hiện nay. Ban hành Luật để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào nề nếp, đi vào cuộc sống của nhân dân, để nhà nước quản lý bằng pháp luật tốt hơn - đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói.

* Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi Tờ trình về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII tới các đại biểu Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến hết ngày 15-11, đã có 121 chất vấn của 61 đại biểu Quốc hội ở 36 đoàn gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành khác.

Trên cơ sở tổng hợp nội dung và căn cứ vào số lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội, kết hợp xem xét các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội, những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, với thời gian 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, sau khi thống nhất ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp. Đó là Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

Sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ bài viết