23/12/2020 - 19:41

Nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp

(CT) - Ngày 23-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tham dự tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), chất lượng các hồ sơ đề nghị xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn; công tác rà soát VBQPPL được các bộ, ngành triển khai quyết liệt, nhất là rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành theo yêu cầu, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật đạt nhiều kết quả tốt. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành trong ngành được đẩy mạnh; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao…

Năm 2021, Bộ Tư pháp xác định rõ sẽ tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành Tư pháp trong năm 2020. Đồng thời đề nghị trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, ngành Tư pháp cần tiếp tục bám sát các định hướng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp…

H.Y

Chia sẻ bài viết