14/03/2009 - 09:57

Năm nay bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta nhiều hơn năm 2008

* ĐBSCL: Nước mặn có thể xâm nhập sâu từ 30-45km

Nhận định sơ bộ bước đầu về xu thế mùa mưa bão năm nay của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho thấy: Năm 2009 những cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta có khả năng nhiều hơn so với năm 2008 và trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm có từ 5 - 6 cơn). Đáng lưu ý, trong năm nay bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều và sớm hơn năm trước.

Theo nhận định của các Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế, năm nay tình trạng biến đổi khí hậu sẽ làm thời tiết diễn biến rất phức tạp ở khu vực Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, nhiều khả năng sẽ xảy ra những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: nước biển dâng, bão mạnh, lũ lớn, giông lốc, mưa đá và hạn hán... không thể dự báo cụ thể trước nhiều ngày. Do đó, ngay từ thời điểm này, người dân và chính quyền các địa phương cần lên phương án tu bổ các tuyến đê, kè... đồng thời xây dựng các phương án đối phó với thời tiết nguy hiểm.

* Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trung tuần tháng 3-2009, tại một số cửa sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long (sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, sông Định An, sông Trần Đề, sông Cái Lớn...) nước mặn (nồng độ mặn 4g/l) có thể xâm nhập đến vị trí cách cửa sông khoảng từ 30 – 45km. Đặc biệt trên sông Ông Đốc (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chạy dọc theo biển Tây, chịu tác động chính của triều biển Tây. Hiện nay công trình cống Tắc Thủ đã vận hành ngăn mặn. Tuy nhiên, một số cửa thông ra phía biển Tây chưa có công trình ngăn mặn. Vì vậy toàn bộ tuyến sông Ông Đốc đều bị nhiễm mặn. Độ mặn cao nhất diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 15 –3 và từ ngày 26 đến 31-3.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định: Cuối tháng 2-2009 vẫn còn xuất hiện vài trận mưa ở ĐBSCL, nên mực nước và lưu lượng trung bình đầu nguồn trên dòng chính sông Cửu Long vẫn duy trì ở mức độ bình thường. Sang tháng 3-2009, nhiệt độ không khí tăng hơn và gió chướng sẽ mạnh hơn so với tháng 2. Tuy đầu tháng 3 ở ĐBSCL xuất hiện vài cơn mưa giông nhưng cũng không làm cho độ mặn trên các sông giảm. Vì vậy, mức độ xâm nhập mặn trên các dòng sông chính trong tháng 3 cao và sâu hơn so với tháng 2.

TUẤN CƯỜNG (TTXVN) - HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết