21/07/2025 - 14:38

Một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người

Hỏi: Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (MBN) được quy định như thế nào?

Ðáp: Luật Phòng, chống MBN năm 2025 quy định, phòng, chống MBN là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống MBN; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống MBN.

Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống MBN theo quy định của pháp luật. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống MBN; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống MBN bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống MBN, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có tình hình MBN diễn biến phức tạp.

Hỏi: Trách nhiệm của gia đình trong đấu tranh, phòng ngừa MBN?

Ðáp: Luật Phòng, chống MBN năm 2025 quy định cụ thể trách nhiệm của gia đình: giáo dục, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống MBN; cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về mục đích, thủ đoạn, hành vi MBN và các biện pháp phòng, chống MBN. Phối hợp cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống MBN. Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng. Ðộng viên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống MBN.

Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân?

Ðáp: Luật Phòng, chống MBN năm 2025 quy định, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình theo quy định khi bị xâm hại, bị đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến phòng, chống MBN; được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa MBN; được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định hoặc từ chối nhận hỗ trợ; được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật; được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ...

Bên cạnh quyền, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nghĩa vụ chấp hành đầy đủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ; cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống MBN cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; thực hiện yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc MBN; nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

H.Y

Chia sẻ bài viết