02/11/2010 - 10:18

Một đời với sự nghiệp “trồng người”

Những người thân thiết với Nhà giáo Nhân dân (NGND) Lâm Es thường hay khuyên thầy đã nghỉ hưu thì hãy thôi công tác, dành thời gian an hưởng tuổi già. Người thì nói: Đã lớn tuổi thì dành thời gian chăm sóc bản thân, thầy đã cống hiến cho giáo dục gần cả đời rồi! Làm công tác khuyến học là “vác tù và hàng tổng”... Ai nói gì nói, thầy chỉ cười tươi và trả lời: “Tôi làm vì tôi yêu nghề giáo”...

Tận tâm với nghề

 

Trong nhiều nhà giáo mà tôi được tiếp xúc, NGND Lâm Es là người thầy để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Ấn tượng đầu tiên là khi tôi đến nhà ông ở ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Căn nhà của nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Lâm Es khá nhỏ, nằm nép dưới những tán cây. Nhà được xây trên 20 năm nên vách tường loang lổ, rêu phong, nền gạch tàu cũng đã bong tróc... Nơi làm việc của NGND Lâm Es là một góc nhà với cái bàn đã cũ kỹ chứa đầy sách, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Thầy đón tiếp tôi thật vui vẻ, nhiệt thành như con cháu trong gia đình. Đó là tính cách đáng quý của thầy luôn được bè bạn, người thân, láng giềng thương yêu, kính trọng...

Những người quen và làm việc với NGND Lâm Es cho rằng sự nhiệt tình, chân thành của thầy được hình thành từ nhỏ nên đã thấm sâu vào máu thịt của thầy. Thầy Lâm Es mồ côi cha khi mới lên 5 tuổi. Hai anh em của thầy lớn lên từ tình yêu thương, bảo bọc của mẹ và sự giúp đỡ của bà con lối xóm. Hình ảnh người mẹ tảo tần lo cái ăn cho hai anh em luôn ăn sâu vào tâm trí của thầy. 7 tuổi, cậu bé Lâm Es đã đi chăn trâu thuê để được chủ nhà cho ăn cơm nhằm bớt gánh nặng cho mẹ. Những lần đi chăn trâu, thấy bạn bè trang lứa được đến trường, cậu bé Lâm Es cũng mơ ước được đi học. Và rồi như một nhân duyên, Lâm Es được gặp thầy Xuân Tao (một thầy giáo dạy học miễn phí ở chùa Đại Tâm) và được thầy giúp đỡ nên được vào chùa học chữ miễn phí. Mỗi ngày được thầy Xuân Tao dạy chữ nghĩa, nhất là những bài học về đạo đức đã gieo vào lòng cậu bé Lâm Es mơ ước sau này được làm thầy giáo. Sau khi hoàn thành các lớp học ở chùa Đại Tâm, thầy Lâm Es dành được học bổng tại Trường Khai Trí (thị xã Sóc Trăng). Hoàn thành các lớp học, thầy Lâm Es nối bước thầy mình, trở về chùa Đại Tâm dạy học miễn phí đến khi đất nước thống nhất... Trong thời gian ở chùa, thầy không chỉ dạy tiếng Việt, dạy tiếng Khmer, tiếng Pháp, mà còn tự học và là người đầu tiên dạy tiếng Anh trong chùa.

Sau khi đất nước thống nhất, thầy công tác tại Ty Giáo dục Hậu Giang (cũ). Thầy kể: “Lúc còn dạy tại chùa tôi rất trăn trở bởi hầu như việc dạy chữ Khmer không có một chương trình cụ thể, thầy nào biết gì dạy nấy. Vì vậy, tôi đã tự nghiên cứu một chương trình dạy chữ Khmer nhưng chưa hoàn thành. Đến năm 1978, tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia soạn sách giáo khoa tiếng Khmer”. Từ lúc đó, NGND Lâm Es luôn dành riêng một khoảng thời gian nhất định cho việc nghiên cứu đưa tiếng Khmer vào trường phổ thông để dạy cho học sinh dân tộc. Đến thời điểm này, NGND Lâm Es đã phần nào đạt được tâm nguyện khi hoàn thành bộ sách giáo khoa tiếng Khmer từ tập 1 đến tập 7 đang sử dụng dạy ở các trường phổ thông với vai trò là Tổng Chủ biên. Thầy còn là tác giả của sách Ngữ văn Khmer cấp 3; thành viên biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên dạy tiếng Pali... Có thể nói, hầu như các đầu sách giáo khoa, sách giáo viên dạy tiếng Khmer đang lưu hành chính thức hiện nay đều có công đóng góp không nhỏ của thầy.

Hết lòng vì học trò nghèo

Hơn 7 năm sau khi về hưu, mọi người lại nhắc đến NGND Lâm Es với một vai trò khác cũng không kém phần thuyết phục: Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng- một vị Chủ tịch hội luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng thầy vẫn giữ thói quen xưa là hay lặn lội đến những trường vùng sâu tìm đến những học sinh nghèo để giúp đỡ. Niềm vui của thầy chính là những khi giúp được học sinh nghèo tiếp tục đến trường, hỗ trợ học bổng để sinh viên nghèo tiếp tục việc học... Thầy Lâm Es phấn khởi: “Đến nay, 100% xã, thị trấn ở tỉnh Sóc Trăng đều có Hội Khuyến học và Trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh có trên 13.000 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học... Hằng năm, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng vận động hơn 10 tỉ đồng và hàng ngàn quyển tập, đồ dùng học tập để giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, góp phần giảm bớt tình trạng học sinh nghèo bỏ học ở địa phương”. Đã từng trải qua những năm tháng khó khăn, nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người mà thầy đạt được ước mơ. Cho nên, thầy hiểu được hoàn cảnh học sinh, sinh viên nghèo rất cần sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Bản thân thầy đã dốc hết sức để giúp học sinh nghèo không để học sinh vì nghèo mà bỏ học. Ông Kim Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, nói: “Vai trò của Hội Khuyến học rất quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh. Chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều từ Hội Khuyến học các cấp trong đó có công rất lớn của NGND Lâm Es. Nhiều năm công tác cùng NGND Lâm Es, tôi chưa thấy ông từ chối giúp đỡ ai nhất là những gì liên quan đến học sinh đến giáo dục”.

Được phong tặng danh hiệu NGND đã phần nào phản ánh được những đóng góp của thầy Lâm Es trong sự nghiệp “trồng người”. Thế nhưng với thầy tình yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp vẫn chưa bao giờ vơi cạn. Thầy dành hết tâm huyết đó cho sự nghiệp khuyến học của tỉnh Sóc Trăng. Hơn 70 tuổi, mỗi ngày thầy vẫn đến nhiệm sở dù nhà cách nơi làm việc hàng chục cây số. Những hôm sức khỏe tốt, thầy lại tìm đến các xã nghèo, gây dựng phong trào khuyến học ở địa phương. Thầy nói: “Chỉ có học mới thoát nghèo, mới có thể vươn lên trong cuộc sống là điều mà thầy muốn nói với tất cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân các em có ý chí thì các thầy mới giúp được”. Không để thời gian trôi qua lãng phí, nhớ những ngày đứng trên bục giảng, thầy lại đi dạy tiếng Khmer miễn phí cho các cán bộ địa phương... NGND Lâm Es là vậy, đối với giáo dục, với học sinh dù ở vị trí nào thầy cũng làm hết sức, hết lòng...

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết