30/11/2016 - 15:39

Môi trường tại các nghĩa trang, nghĩa địa: Chưa được quan tâm đúng mức

Ban Đô thị HĐND thành phố vừa giám sát công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và các cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy việc quản lý, xây dựng các nghĩa trang và cơ sở an táng trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đúng mức, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Qua giám sát, Ban Đô thị HĐND thành phố ghi nhận đến năm 2014 trên địa bàn thành phố có 4 nghĩa trang liệt sĩ và 92 khu nghĩa trang, nghĩa địa. Theo đánh giá của các thành viên đoàn giám sát, hiện trạng các nghĩa trang, nghĩa địa tập trung thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước mặt, chiếu sáng, giao thông; thiếu các công trình, các hạng mục phụ trợ, như: khu hậu hỏa táng, lò hỏa táng, nhà tang lễ, nhà quản trang, cây xanh cảnh quan, bãi đậu xe, nhà vệ sinh… Ông Trần Thanh Cần, đại biểu HĐND thành phố, Chủ tịch HĐND quận Cái Răng, thành viên đoàn giám sát, nhận xét: "Hiện tại, các nghĩa trang, nghĩa địa chưa được quan tâm đúng mức về công tác quản lý nhà nước. Một số nghĩa trang tự phát, do người dân quản lý nên việc quản lý về giá đất, các dịch vụ mai táng còn gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, ở nhiều nghĩa trang tư nhân đều có tổ chức bốc mộ, nhưng không đảm bảo vệ sinh môi trường".

Đoàn giám sát của Ban đô thị HĐND thành phố làm việc với Sở Xây dựng thành phố.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy phần lớn các khu nghĩa trang phân tán đều xây dựng tự phát, để phục vụ nhu cầu của gia đình, dòng họ. Quy mô đất sử dụng rất nhỏ, bố trí xen lẫn trong khu dân cư; việc chôn cất không theo quy định về kích thước, kiến trúc mà phụ thuộc vào ý thích của mỗi gia đình, dòng tộc. Các khu nghĩa trang hay một số cụm mộ thường không có khoảng cách ly, chưa có hệ thống hào thoát nước và hệ thống cây xanh theo quy định. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Hầu như các khu nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố được xây dựng mà không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Về lâu dài, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi. Tôi đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác đánh giá tác động môi trường tại các khu nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố để đảm bảo công tác môi trường".

Ngoài ra, theo Sở Xây dựng thành phố, thành phố có trên 113.500 mộ phân tán, tồn tại theo tập quán truyền thống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các phần mộ phân tán này thường được bố trí ngay phía sau nhà, khoảng cách từ khu mộ đến ngôi nhà từ 20 – 100m nên không đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe của cộng đồng dân cư. Một vấn đề khác mà nhiều thành viên đoàn giám sát quan tâm là số nhà hỏa táng, nhà tang lễ trên địa bàn thành phố còn rất ít (7 cơ sở), lại không đảm bảo môi trường, gây ô nhiễm không khí. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều, thành viên đoàn giám sát, cho biết: "Vấn đề bảo vệ môi trường tại các khu nghĩa trang, nghĩa địa và cả phần mộ phân tán trong các khu dân cư rất đáng lo ngại. Tôi đề nghị thành phố sớm quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang tập trung và hệ thống nhà tang lễ chính quy phục vụ cho nhân dân, khi có nhu cầu"…

Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Xây dựng và các ngành liên quan tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại các nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố; quy hoạch đất để xây dựng nghĩa trang tập trung; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chôn cất người qua đời tại các điểm tập trung để bảo vệ môi trường, đất sản xuất nông nghiệp... Trước những đề nghị thiết thực của các thành viên đoàn giám sát, ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, cho biết: "Sở Xây dựng thành phố đang chuẩn bị trình Đồ án quy hoạch nghĩa trang thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để tham mưu UBND thành phố xem xét, ban hành... Theo Đồ án, thành phố sẽ xây dựng 3 khu nghĩa trang tập trung với diện tích 250 ha để phục vụ cho các quận nội thành và các xã ngoại thành".

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết