09/10/2014 - 20:25

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với Nhật Bản

Vừa qua, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) do ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng BCĐ TBN dẫn đầu cùng với lãnh đạo thành phố Cần Thơ do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (Trưởng đoàn) đi công tác tại Nhật Bản theo thư mời của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng. Chuyến công tác với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy hải sản, đào tạo nguồn nhân lực; mời gọi đầu tư, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ - du lịch và một số lĩnh vực cụ thể khác thuộc thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, với Nhật Bản.

Ngày làm việc đầu tiên tại Nhật Bản, Đoàn công tác đến thành phố Sapporo. Tại đây, Đoàn được lãnh đạo Tập đoàn kinh tế Takao hướng dẫn đến tham quan, nghiên cứu việc đầu tư xây dựng và khai thác Nghĩa trang hoa viên, gắn với Nhà hàng ăn uống và các dịch vụ kèm theo; tham quan, tìm hiểu việc đầu tư xây dựng sân golf Sapporo (54 lỗ) và Miyazaki (18 lỗ), do Tập đoàn Takao đầu tư. Tại các cuộc làm việc, lãnh đạo tập đoàn và Đoàn công tác đã trao đổi, chia sẻ các thông tin nhằm xúc tiến việc hợp tác, đầu tư một sân golf tại vùng ĐBSCL của Việt Nam và hợp tác đầu tư một số lĩnh vực khác thuộc thế mạnh của Tập đoàn và tiềm năng của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, ông Takahashi, Chủ tịch Tập đoàn Takao, đã thống nhất chủ trương và cho biết đang xúc tiến các thủ tục đầu tư xây dựng sân golf (18 lỗ) tại Cồn Ấu, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ trong năm 2014.

Trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, Đoàn cũng đã tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu thực tế tại Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp và làm việc với lãnh đạo Công ty cơ khí nông nghiệp Kubota tại thành phố Tsukubamirai, tỉnh Ibaraki; thăm nhà máy và làm việc với Hội đồng quản trị của công ty Honda. Đây là hai doanh nghiệp có hoạt động thương mại từ nhiều năm nay với Việt Nam. Nhiều sản phẩm do công ty Kubota sản xuất đã được sử dụng ở thị trường ĐBSCL như máy cày, máy kéo, máy chạy tàu,... Với Honda, Việt Nam là một thị trường lớn và đầy tiềm năng phát triển, khách hàng Việt Nam đã tiêu thụ một phần không nhỏ trong tổng số 113 triệu sản phẩm mà công ty đã bán ra thị trường. Đoàn cũng đã thăm thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Chiba như mô hình trồng cà chua, khoai lang; thăm khu resort sinh thái nông nghiệp và nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh… Tiếp đoàn tại các buổi làm việc, ngài Koshikana Shinichi, Thị trưởng thành phố Choshi, tỉnh Chiba; ngài Hayashi Motoo, hạ nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản (đại diện tỉnh Chiba), Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt và lãnh đạo các doanh nghiệp đã cùng chia sẻ các thông tin về tiềm năng vùng ĐBSCL trên các lĩnh vực. Lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản đều đánh giá cao thị trường tiêu thụ, môi trường đầu tư của các địa phương vùng ĐBSCL; bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ hợp tác trong tương lai và khẳng định sẽ sớm đến ĐBSCL để tìm hiểu, nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đoàn công tác của BCĐ TNB và TP Cần Thơ thăm và làm việc tại Công ty Honda-Nhật Bản.

Tại Tokyo, Đoàn đã có các cuộc gặp gỡ, làm việc với đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại giao Nhân dân (FEC) Nhật Bản và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Phía Nhật đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là quan hệ với khu vực ĐBSCL, thông qua sự thu xếp của Thường trực BCĐ TNB và Đại sứ Đoàn Xuân Hưng. Đặc biệt, trong chuyến công tác tại Việt Nam vào tháng 3-2014, Ủy ban Hợp tác kinh tế Mê Kông – Nhật Bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản với BCĐ TNB và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm chia sẻ thông tin và nguồn nhân lực tốt nhất để thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó, chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL và doanh nghiệp Nhật Bản quan hệ, trao đổi, tìm hiểu để tiến tới hợp tác cụ thể. Có mặt trong thành phần tiếp và làm việc với đoàn tại Nhật Bản, ông Ibi - đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Nhật Bản- Mê Kông - cam kết sẽ tiếp tục cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu, xúc tiến đầu tư cụ thể vào vùng ĐBSCL thời gian tới như nội dung biên bản đã ký kết. Đại diện lãnh đạo FEC, Ủy ban Hợp tác kinh tế Mê Kông – Nhật Bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển đất nước, trong quan hệ hợp tác quốc tế nói chung và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản nói riêng. Đại diện FEC Nhật Bản mong muốn thành phố Cần Thơ mở một khu công nghiệp riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư về du lịch, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải…

Tại các buổi làm việc với đối tác Nhật Bản, ông Trần Thanh Mẫn thay mặt đoàn thông tin mục đích chuyến công tác, giới thiệu khái quát chung về tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL và thành phố Cần Thơ; nêu rõ quan điểm, tình cảm của Thường trực BCĐ TNB, lãnh đạo và nhân dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, đối với đất nước và nhân dân Nhật Bản. Các thành viên trong đoàn cũng ghi nhận những đề nghị của phía bạn, cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhật Bản đầu tư vào ĐBSCL. Dịp này, ông Nguyễn Quốc Việt đã giới thiệu với đối tác Nhật Bản các nội dung chính của Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL và MDEC-Sóc Trăng 2014; mời và nhận được lời hứa của Đại sứ Việt Nam tại Nhật và các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ sang thăm, nghiên cứu để đầu tư tại vùng ĐBSCL và tham dự MDEC vào tháng 11 tới tại tỉnh Sóc Trăng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng BCĐ TNB, chuyến đi đã đáp ứng được mục đích tăng cường mối quan hệ, hợp tác giữa ta và bạn, quảng bá được hình ảnh của vùng ĐBSCL, hình ảnh và nội dung Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL, tạo sự tin cậy, góp phần sâu sắc hơn, thiết thực hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản. Đoàn công tác cũng sẽ có văn bản gởi các đơn vị có nhu cầu hợp tác phía bạn để mời gọi đầu tư, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương chuẩn bị các nội dung cụ thể để tiếp và làm việc với các đối tác Nhật đến vùng ĐBSCL thời gian tới.

BÍCH LIÊN

Chia sẻ bài viết