02/04/2019 - 20:26

Mô hình triển vọng canh tác nông nghiệp mùa khô 

Các mô hình canh tác trong mùa khô ở ĐBSCL hiện nay rất phong phú, trong đó, các mô hình trồng rau màu ngày càng phát triển thay dần tập quán độc canh cây lúa. Nông dân đồng bằng sáng tạo cách làm hiệu quả vận dụng những công nghệ tiến bộ trong canh tác mùa khô, điển hình như mô hình trồng nấm trong nhà ở tỉnh đầu nguồn An Giang.

Giới thiệu sản phẩm nấm trong nhà.

Giới thiệu sản phẩm nấm trong nhà.

Bình Hòa là xã có nhiều hộ trồng nấm, đặc biệt là nấm bào ngư, nhiều nhất ở huyện Châu Thành. Anh Huỳnh Ngầu (xã Bình Hòa-Châu Thành-An Giang), sau 6 tháng trồng nấm anh sắp kết thúc đợt trồng 14.000 bịch phôi nấm bào ngư. “Sản lượng nấm đợt trồng này khoảng 300-350gr/bịch, thu hoạch lần lượt 10-12 lần/đợt. Giá bán nấm cho thương lái ở mức 30.000 đồng/kg, thương lái tự đến trại cân”- anh Ngầu nói. Theo anh Huỳnh Ngầu, vận dụng công nghệ sinh học trong trồng nấm chủ yếu là bảo đảm ẩm độ phù hợp giúp tai nấm phát triển cho năng suất cao và thu hoạch lâu dài. Không chỉ thường xuyên phun tưới ẩm cho các bịch phôi mà còn bổ sung lượng nước đủ giữ ẩm cho nền đất, thường được rải cát hoặc lót bằng gạch nung có thể hút ẩm. Nước sử dụng trồng nấm thường là nước sông, có thể sử dụng nước máy nhưng phải bơm trữ qua đêm để khử bớt Cl. Mùa khô trồng nấm trong nhà, người trồng nấm có thể chủ động lượng nước bằng cách: bơm vào bồn dự trữ. 1 nhân công có thể làm 1 trại nấm 4.000-5.000 bịch. Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm do địa phương, ngành nông nghiệp và Sở Khoa học và Công nghệ, anh thử nghiệm thành công mô hình trồng nấm và phát triển lên quy mô như hiện tại. Nguồn phôi giống được anh đặt ở 2 cơ sở cung cấp phôi giống ở xã Bình Hòa và các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai.

Ông Huỳnh Minh Kiểng ở xã Bình Hòa, chủ cơ sở sản xuất phôi nấm là người đã có quá trình trồng nấm bào ngư trong nhà với quy mô trại nấm, thường xuyên nuôi trồng khoảng 25.000 bịch phôi. Khi thấy nhu cầu trồng nấm bào ngư tại địa phương đang phát triển, 4 năm nay ông đã đầu tư thêm vào công nghệ sản xuất phôi giống, hằng tháng cung cấp phôi nấm cho nông dân địa phương. Từ khi chuyển một phần diện tích trại nấm sang sản xuất phôi nấm, quy mô trại trồng nấm thương phẩm của tôi giảm chỉ còn 13.000 bịch. “Nấm bào ngư là nguồn nấm sạch, bà con mình ngày càng ưa thích. Việc tiêu thụ nấm thuận lợi, sản phẩm thu hoạch không đủ cung cấp cho các chợ. Người trồng nấm đến cuối vụ thu lợi nhuận 100% vốn đầu tư” - Ông Kiểng chia sẻ. Theo thương lái Nguyễn Minh Tâm ở xã Bình Hòa-Châu Thành-An Giang: Nấm bào ngư ở xã Bình Hòa được đem tiêu thụ ở nhiều nơi như: Châu Đốc hay chợ Cây Dầu, thậm chí đến Phú Quốc.

Kỹ sư Phan Thị Như, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành-An Giang, cho biết: Trước đây, mỗi trại nấm trong các hộ dân chỉ có diện tích 20-30m2, nay đã phát triển lên diện tích 100-150m2. Mỗi vụ nấm kéo dài 5-6 tháng đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Mỗi năm huyện có 30-40 hộ trồng nấm bào ngư trong nhà, tính ra sử dụng 250.000-300.000 bịch phôi, tạo nguồn thu khá tốt cho nông dân. Hiện một số cơ sở sản xuất phôi giống ở huyện này đang thử nghiệm nuôi cấy và trồng nấm linh chi, đón đầu nhu cầu phát triển nghề trồng nấm dược liệu khi việc ứng dụng công nghệ sinh học tại địa phương đã được phổ biến hơn.

 Trồng nấm công nghệ cao, đặc biệt là vào mùa khô, dựa trên ứng dụng công nghệ sinh học là xu hướng tất yếu của phát triển nông nghiệp bền vững. Hướng đi này góp phần tạo ra nguồn nông sản sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng theo định hướng thị trường, trong đó người sản xuất thu được lợi nhuận cao. Cơ cấu trong nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

K.H

Chia sẻ bài viết