18/09/2009 - 08:16

Lựa mô hình đào tạo giáo viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Ngày 17-9, đông đảo các chuyên gia giáo dục từ nhiều tỉnh, thành trong nước và các chuyên gia quốc tế đã tham dự “Hội thảo Mô hình đào tạo giáo viên Trung học phổ thông và Trung cấp chuyên nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế lần thứ nhất “ do Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông (THPT) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Theo PGS.TS Cary J.Trexler - trường Sư phạm, Đại học California, Davis, Mỹ, hình thức đào tạo giáo viên theo chương trình 5 năm được thực hiện tại bang California đã đem lại kết quả rất tốt và giúp giáo viên có năng lực bộ môn cao hơn, phương pháp sư phạm tốt hơn, giảng dạy thực hành nhiều hơn, từ đó tăng thêm lòng yêu nghề tạo động lực để hoàn thiện kỹ năng giảng dạy. Tuy nhiên, việc đào tạo giáo viên năm thứ 5 đòi hỏi chi phí quản lý hành chính cao hơn, tăng gánh nặng kinh tế đối với sinh viên vì phải học thêm một năm nữa. Do vậy, tại Việt Nam việc đào tạo năm thứ 5 có thể thực hiện tại những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, còn những nơi khó khăn có thể thực hiện các chương trình bồi dưỡng giáo viên mới vào nghề.

Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên gia của Dự án cho rằng: đào tạo giáo viên phải được coi như đào tạo nghề giúp người học có kỹ năng hành nghề tốt hơn. Việt Nam mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục THPT và TCCN thông qua chuyên nghiệp hóa đội ngũ giáo viên thì cần xem xét kỹ việc phát triển giáo viên và xếp loại giáo viên. Đây là những điều kiện tiên quyết để giúp giáo viên có thêm động lực nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy và học, say mê và yêu nghề hơn.

N. ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết