01/08/2010 - 22:10

Lối đi ngay dưới chân mình

Đàm Xuân Duy đang thực hành bài tập trên chiếc máy vi tính của người bạn thân cho mượn.

Đàm Xuân Duy hiện là sinh viên (SV) năm thứ 3 khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh Trường Đại học Cần Thơ. Duy trông già dặn hơn rất nhiều so với tuổi 21, phong cách nói chuyện tự tin, nhỏ nhẹ, kiến thức xã hội phong phú. Dù phải đi làm thêm, lo toan kinh tế giúp gia đình nhưng Duy học rất giỏi, học lực thuộc loại xuất sắc, nhiệt tình trong công tác đoàn thể. Không chỉ thế, Duy còn nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học với đề tài “Hệ thống cung cấp thức ăn đường phố an toàn” đoạt giải 3 Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng năm 2009 do Trung tâm Học liệu phối hợp với Đoàn trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Hoàn cảnh khó khăn, mấy năm nay Duy phải tự lập, làm thêm nhiều nghề như chạy bàn, tiếp thị, nhân viên kinh doanh, tư vấn tài chính, phụ việc cho thầy cô trong các đề tài nghiên cứu khoa học để kiếm tiền đi học. Suốt 3 năm qua, chàng SV ham học, giàu nghị lực này vẫn giữ học lực xuất sắc. Bí quyết học tập của Duy là không học thuộc lòng mà tìm tòi, phân tích, tự tìm cách giải đáp, đọc thêm sách báo tích lũy kiến thức. Duy đã rút ngắn thời gian học còn lại 3 năm rưỡi để tranh thủ đi làm phụ giúp gia đình. Duy tự nhận mình không thông minh lắm nhưng siêng năng, nghiêm khắc với bản thân, cố gắng hết sức trong học tập. Thời gian qua, Duy tự học, lấy được bằng C tiếng Anh. Với vai trò trưởng lớp Quản trị thương mại 2 K.33, Duy phát động các bạn xây dựng phong trào học tập, học nhóm, cùng nhau trao đổi đề tài. Duy còn tham gia diễn văn nghệ, dẫn chương trình, tiếp tân SV, Mùa hè xanh... tình nguyện đem sức trẻ giúp đỡ bà con nghèo vùng sâu, vùng xa. Bạn Phạm Phú Quý, học chung lớp với Duy, cho biết: “Duy rất hòa đồng, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, có khả năng lãnh đạo. Không chỉ thế, Duy còn là một tấm gương vượt khó học giỏi được bạn bè nể phục”.

Quê của Duy ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Nhà có 3 anh em, Duy là con giữa. Anh trai Duy đã học xong trung cấp nghề, em gái học nghề may. Hai bên nội ngoại đều nghèo nên lúc ba mẹ Duy cưới nhau, phải sống trên ghe rày đây mai đó bằng nghề hàng xáo, chài lưới... Anh em Duy lần lượt ra đời, cha mẹ quyết định lên bờ để các con thuận lợi trong việc đi học. Duy nhớ lại: “Ngày nộp đơn thi đại học, em đắn đo rất nhiều, nhưng phải học mới có thể giúp cha mẹ dài lâu, em quyết định vừa học vừa làm. Em là trường hợp hiếm hoi của dòng họ hai bên được học đại học nên luôn dặn mình phải cố gắng. Em nghĩ tương lai không ở đâu xa mà lối đi ngay dưới chân mình, quan trọng là có dám bước hay không và đã dấn thân thì phải đi đến cùng”. Hoàn cảnh khó khăn nên từ năm học lớp 5, Duy đã có ý thức phụ giúp gia đình. Sau giờ học, Duy ra đồng kiếm cá về cải thiện bữa ăn, còn dư đem bán, dành tiền mua tập sách. Vào mùa hè, khuya Duy theo cha đi lấy hàng thực phẩm về bán. Đến trường trong hoàn cảnh túng thiếu mọi bề nhưng Duy không bỏ học bữa nào, luôn phấn đấu học giỏi. Là người có quyết tâm cao, Duy luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện kế hoạch của mình. Năm lớp 7, Duy từng mất căn bản môn vật lý, nhìn thầy cô buồn, Duy hạ quyết tâm phải học tốt hơn. Chỉ một năm sau, Duy đã nắm vững kiến thức và năm lớp 9 đoạt giải 3, năm lớp 12 đoạt giải khuyến khích Học sinh giỏi vật lý cấp thành phố Cần Thơ (cấp 2 Duy học Trường THCS Thạnh Thắng, cấp 3 học Trường THPT Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ).

Hiện nay, gia đình đang trong giai đoạn khó khăn. Ba Duy ở lại quê, hơn tháng nay, Duy qua Vĩnh Long mướn nhà để anh trai mở tiệm sửa điện tử, còn mẹ làm nem chả bán. Duy cho biết: “Mô hình làm ăn này là một môn học mà em áp dụng vào thực tế. Tất cả đều chỉ mới bắt đầu, tiền vay bạc hỏi nên em rất lo, thuyết phục để mẹ tin tưởng, góp sức cùng em làm”. Biết đây là phép thử sống còn của gia đình, Duy tính toán rất kỹ, đi khảo sát nhu cầu của người dân, tìm nguồn nguyên liệu và đầu ra. Cả tháng nay, từ 3 giờ sáng mẹ đã thức để làm nem, Duy là người thử chất lượng sản phẩm rồi cùng mẹ đi chào hàng. Khát vọng của Duy là hướng đến xuất khẩu, giới thiệu món ngon của quê hương đến bạn bè các nước.

Ý tưởng “Xây dựng hệ thống cung cấp thức ăn đường phố an toàn” của Duy trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng” được ban giám khảo đánh giá cao, có khả năng ứng dụng vào thực tế, mang lại nhiều lợi ích ý nghĩa cho cộng đồng, giải quyết được vấn đề nóng của xã hội là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Mấy tháng trời đi khảo sát tình hình thức ăn đường phố, không ít lần Duy bị đuổi, thậm chí bị chửi khi chụp hình, hỏi chuyện những người bán rong ngoài đường, nhưng Duy không nản lòng. Lúc đầu, Duy rủ thêm một người bạn làm chung. Khi vừa bắt tay vào thực hiện thì người bạn có việc nghỉ ngang, nhiều người khuyên Duy bỏ cuộc vì đề tài tương đối khó, trong khi Duy thực hiện chỉ có một mình. Duy tâm sự: “Từ trước đến nay, em chưa từng chùn bước trước khó khăn nên lần này quyết tâm theo đuổi đến cùng để thử sức. Vòng chung kết cuộc thi diễn ra ngay thời điểm thi học kỳ, em phải thức trắng nhiều đêm để chu toàn cả hai”. Sau giờ học, Duy lên mạng Internet tham khảo thông tin liên quan đến đề tài, học cách tính toán, cân đo tài chính, giá cả thực phẩm... Theo Duy, ATVSTP đang là mối quan tâm chung của nhiều người, số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng, trong đó thức ăn đường phố chiếm tỷ lệ đáng kể, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Đa phần thức ăn đường phố sử dụng nguyên liệu giá rẻ, kém chất lượng, chế biến không hợp vệ sinh, việc quản lý còn nhiều khó khăn nên càng làm cho chất lượng ATVSTP diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Cuộc sống ngày càng bận rộn, nhu cầu thức ăn đường phố tăng cao, đặc biệt trong giới học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, khách du lịch... Với vai trò là thành phố trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cần có một hệ thống cung cấp thức ăn đường phố an toàn với các chuẩn mực chung về thương hiệu, cơ sở vật chất, trang phục, nguồn thực phẩm, kỹ thuật chế biến, giá cả... để tạo ra nhiều món ăn ngon miệng, hợp vệ sinh, phát huy văn hóa ẩm thực miền sông nước, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và những chuẩn mực chung của xã hội về văn hóa, mỹ quan đô thị, đặc biệt là ATVSTP. Trước mắt, hệ thống sẽ triển khai ở quận Ninh Kiều, sau này nếu thuận lợi sẽ mở rộng thêm đối tượng tham gia, kinh doanh thêm thức uống và món ăn ở các vùng miền, địa bàn khác. Với những ý nghĩa thiết thực mang lại, đề tài đã được chấm giải 3.

Cô Đỗ Thị Tuyết, hiện là cố vấn học tập lớp Quản trị thương mại 2 K.33, nguyên giảng viên Khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ, nhận xét: “Duy là đứa con ngoan, trò giỏi, hiếu thảo, là một lớp trưởng được bạn bè tín nhiệm. Dù giỏi nhưng Duy luôn khiêm tốn, biết lắng nghe, học hỏi người khác, khéo léo trong việc giữ gìn các mối quan hệ”.

******

Hiện tại, hàng ngày Duy vẫn ngược xuôi vừa học vừa đi làm, tích cóp tiền để trả nợ phụ gia đình và mua chiếc máy vi tính. Duy ước ao một ngày nào đó mình sẽ có điều kiện đưa ý tưởng vào thực tế, gầy dựng được sự nghiệp trong lĩnh vực ăn uống. Còn bây giờ, Duy vẫn đang cố gắng học tập và rèn luyện bản thân như lời dạy của cha mẹ: Làm gì cũng phải suy nghĩ chín chắn, biết quan tâm đến mọi người, sống chân tình, trở thành người hữu dụng cho xã hội.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết