05/06/2016 - 16:26

LÒ LUYỆN THI - Đìu hiu cảnh chợ chiều

Khác hẳn với không khí nhộn nhịp hằng năm, năm nay, các trung tâm luyện thi đại học (LTĐH) ở nội ô TP Cần Thơ rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng bóng học viên. Nguyên nhân vì sao?

Vắng bóng học viên

Bạn Lâm Mỹ Ngân (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), học viên Cơ sở Anh ngữ và LTĐH Minh Đức, cho biết: "Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, tôi chỉ đủ điểm xét hoàn thành tốt nghiệp THPT nhưng thiếu điểm vào đại học. Do đó, từ tháng 11-2015 đến nay, tôi luyện ôn 3 môn Toán, Văn và Anh văn. Biết là khá tốn kém vì phải thuê nhà trọ, chi phí hằng ngày,… nhưng tôi nghĩ lên Cần Thơ ôn luyện sẽ giúp mình củng cố và nâng cao kiến thức trọng tâm để có thể thi tốt đại học. Ngoài thời gian học trên lớp, chủ yếu tôi dành nhiều thời gian tự học". Tương tự, em Lê Phương Giang (ở tỉnh Kiên Giang), học viên của Cơ sở Anh ngữ và LTĐH Minh Đức, nói thêm: "Năm 2015, tôi không đủ điểm trúng tuyển vào đại học nên cố gắng ôn luyện cho kỳ thi năm nay. Qua tìm hiểu trên mạng internet, tôi đăng ký ôn luyện 3 môn (Toán, Lý, Hóa)".

Giờ học tiếng Anh của học viên lớp LTĐH tại Cơ ở Anh ngữ và LTĐH Minh Đức.

Bình quân hằng năm, khóa học LTĐH dài hạn (từ cuối tháng 8 đến hết tháng 5) ở Cơ sở Anh ngữ và LTĐH Minh Đức có lưu lượng hàng ngàn học viên. Riêng khóa LTĐH cấp tốc (khoảng cuối tháng 5 đến hết tháng 6), cơ sở tiếp nhận vài trăm đến hơn ngàn học viên. Tuy nhiên, năm nay, cơ sở chỉ còn khoảng 40-50 học viên. Thầy Huỳnh Văn Minh, chủ Cơ sở Anh ngữ và LTĐH Minh Đức, cho biết: "Tại cơ sở hiện chỉ có khối C là đông học viên (khoảng 20-30 người). Ở các môn (Vật lý, Sinh học và Hóa học) rất ít học viên; mỗi môn khoảng hơn 10 học viên. Phần lớn học viên là những em đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước có nguyện vọng vào đại học". Theo thầy Minh, do ít học viên nên cơ sở thu không đủ để bù chi cho hoạt động tại cơ sở. Ngoài ra, cơ sở còn dành khoản chi phí để miễn giảm cho học viên có hoàn cảnh khó khăn,… Cơ sở có 3 địa điểm hoạt động nhưng do số lượng học viên ít nên chỉ tập trung giảng dạy tại địa điểm ở đường Mậu Thân; 2 điểm còn lại ngưng hoạt động hoặc chuyển sang công năng khác, như mở khóa học tiếng Anh cho trẻ em, người lớn.

Thời điểm này, dạo quanh một vòng ở một số cơ sở LTĐH trên địa bàn quận Ninh Kiều, dễ dàng cảm nhận viễn cảnh chợ chiều của các lò luyện, bởi đang rơi vào tình trạng ế ẩm, nơi nào tuyển tốt nhất cũng chỉ vài chục học viên. Do số lượng học viên quá ít nên một số trung tâm có 2-3 cơ sở đã chuyển công năng hoạt động hoặc kiêm thêm dịch vụ giảng dạy tiếng Anh,… Không chỉ thế, các dịch vụ "ăn theo" mùa LTĐH cấp tốc hằng năm cũng không còn tấp nập như những năm trước. Một chủ nhà trọ trên đường 3 Tháng 2 (gần khu vực Trường Đại học Cần Thơ), mọi năm, thời điểm này có rất nhiều phụ huynh, học sinh ở xa đến hỏi trọ để LTĐH cấp tốc hay dọ trước để cho con thi ĐH vào đầu tháng 7. Nhưng năm nay rất ít phụ huynh, học sinh đến hỏi ở trọ.

Chọn giải pháp thuận tiện, tiết kiệm

Có nhiều nguyên nhân khiến các "sĩ tử" không mặn mà với lò luyện, trong đó có việc mở lớp LTĐH cấp tốc hoặc mở lớp ôn luyện nâng cao ở môn học tự chọn tại một số trường THPT, như: Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ), Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), Thới Lai (huyện Thới Lai), Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng),… Để mở lớp, các trường dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cũng như nhu cầu học của học sinh. Mức học phí của các lớp này không cao, lại gần nhà học sinh nên phụ huynh an tâm cho con theo học.

Cách đây 5 năm, mỗi khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng tổ chức một số lớp LTĐH cấp tốc cho học sinh, chủ yếu ở các môn: Toán, Hóa, Văn, Anh văn. Các lớp học kéo dài khoảng 4 tuần. Năm nay, trường có 243 học sinh lớp 12; trong đó có 110 học sinh đăng ký thi cụm 1 (cụm đại học). Để giúp học sinh làm bài tốt, trường tổ chức ôn tập cho học sinh trong 9 tuần, bắt đầu từ ngày 18-4-2016. Cô Phạm Thị Mỹ Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Năm nay, trường tập trung ôn tập cho học sinh thi đạt kết quả tốt kỳ thi THPT Quốc gia 2016 và nhất là xét đạt tốt nghiệp THPT. Còn với các lớp LTĐH cấp tốc tại trường thì số lượng học sinh hiện nay rất ít. Song, những học sinh học lực khá, giỏi có nhu cầu ôn luyện nâng cao để xét tuyển vào ĐH, trường tổ chức cho các em đăng ký môn học và giáo viên theo quy định của ngành. Các lớp học này có mức học phí thấp, bình quân mỗi môn học là 250.000 đồng, với 16 tiết thực dạy". Với lợi thế gần nhà, chi phí thấp, học sinh học với giáo viên của mình có thể mạnh dạn trao đổi bài học. Bạn Bùi Công Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, nói: "Bên cạnh học ôn tại lớp, tôi còn học thêm nâng cao ở 3 môn (Toán, Anh văn và Lý) với thầy cô tại trường. Học với thầy cô ở trường, tôi có thể trao đổi trực tiếp, không ngại ngùng; nếu bài nào không hiểu rõ, tôi có thể hỏi thầy cô qua facebook hay zalo. Còn LTĐH ở "lò" luyện vừa tốn kém, thầy cô lạ nên trao đổi bài vở không được mạnh dạn".

Khía cạnh khác, từ khi gộp kỳ thi hai trong một (Kỳ thi THPT Quốc gia vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét kết quả vào ĐH), chủ trương của Bộ GD&ĐT, đề thi ngày càng sát với chương trình THPT nên nhu cầu học sinh học các lớp LTĐH tại trường phổ thông ngày càng nhiều. Vì thế, các trường THPT ở TP Cần Thơ đã và đang duy trì các lớp LTĐH hoặc các lớp phụ đạo, giảng dạy chương trình nâng cao nhằm giúp học sinh có đủ khả năng tốt nghiệp THPT, cũng như dự xét tuyển vào ĐH. Theo cô Phạm Thị Mỹ Hương, hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển, một số học sinh năng động, học lực tốt thường chọn phương pháp tự học tại nhà hoặc giải bài toán trên mạng internet,... Đó là một trong những lý do khiến các học sinh không "mặn mà" đến lò LTĐH.

* * *

Khoảng một tháng nữa, hơn 9.300 học sinh lớp 12 của TP Cần Thơ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2016; trong đó có hơn 6.000 học sinh đăng ký dự cụm thi đại học. Trong giai đoạn "nước rút" này, nhiều sĩ tử khó tránh khỏi lo lắng và chuẩn bị tâm thế để bước vào kỳ thi sắp tới. Và dù luyện thi theo hình thức nào, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực ôn luyện và phương pháp học của học sinh.

Bài, ảnh: NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết