22/04/2012 - 21:03

"Liều thuốc" nào cho doanh nghiệp vượt khó?

Gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó do tác động chung của nền kinh tế, nhất là lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng ở mức cao và DN khó tiếp cận vốn vay, hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm dẫn đến hàng tồn kho số lượng lớn… “Bệnh” của các DN đã được chỉ ra, vấn đề còn lại là các ngành chức năng cần có “liều thuốc” mạnh, hỗ trợ thiết thực để DN ổn định sản xuất, vượt khó khăn trước mắt...

SẢN XUẤT GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

May gia công xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Meko ở khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ.  Ảnh: ANH KHOA 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, quí I-2012, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố (giá cố định 1994) ước thực hiện 5.200,08 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất công nghiệp trong quí I-2012 còn nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng, chi phí đầu vào sản xuất tăng, lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn còn cao; nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu chưa ổn định, nhất là nguyên liệu thủy sản; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn thành phố... Kim ngạch xuất khẩu của thành phố quí I-2012 ước thực hiện 263,115 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 254,415 triệu USD, giảm 5%. Nguyên nhân chủ yếu do một số mặt hàng xuất khẩu giảm như: gạo xuất khẩu giảm 41,4% về sản lượng và 39,8% về giá trị, giày dép giảm 25,5% so với cùng kỳ;...

Theo Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, trong quý I-2012, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thu hút 7 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 20,92 triệu USD. Cũng trong thời gian này, ước tổng doanh thu của các DN đang hoạt động trong các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đạt 397,176 triệu USD, giảm 7,42% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 279,975 triệu USD, giảm 4,29%; dịch vụ thương mại đạt 117,201 triệu USD, giảm 14,12%... Việc các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ thu hút thêm nhiều dự án mới trong những tháng đầu năm 2012 là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ, mức tăng trưởng đạt thấp, thậm chí có DN đã phải ngừng sản xuất do thiếu vốn minh chứng hoạt động của các DN trong các khu công nghiệp gặp khó khăn hơn trước.

Nhìn chung, hầu hết các DN trên địa bàn thành phố đều chịu ảnh hưởng nặng bởi các chi phí đầu vào (giá điện, giá bao bì, xăng dầu, nguyên vật liệu, giá nhân công...) tăng. Tuy nhiên, giá đầu ra nhiều sản phẩm không tăng tương xứng nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đạt thấp. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng ở mức cao, ngoài sức chịu đựng của DN; đầu ra sản phẩm gặp khó đã và đang khiến DN khó chồng khó. Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương TP Cần Thơ, năm 2011, có 323 DN tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố ngừng hoạt động. Trong đó, nhiều nhất là quận Ninh Kiều với 104 DN, Bình Thủy 85 DN, Cái Răng 56 DN, Thốt Nốt 28 DN...

“LIỀU THUỐC” NÀO CHO DN?

Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tuy nhiên, phần lớn các DN vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Dù nhiều DN đã tự đổi mới, thay đổi chất lượng hoạt động, sản xuất và kinh doanh thêm các mặt hàng phụ “lấy ngắn, nuôi dài”, thậm chí phải giảm lao động và quy mô sản xuất kinh doanh nhưng vẫn còn trong tình cảnh khó khăn.

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), do thiếu vốn, nhiều dự án sản xuất, kinh doanh của DN đang “giậm chân tại chỗ” gây lãng phí các nguồn lực và phần vốn đã đầu tư. Trong khi đó, DN muốn vay thêm vốn để hoàn tất các dự án này thì rất khó do lãi suất cao và không còn tài sản để thế chấp ngân hàng. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố hạ trần lãi suất huy động VND giảm xuống còn 12%/năm. Tuy nhiên, hiện lãi suất cho vay đầu ra của các ngân hàng vẫn còn cao, từ 14-16%/năm trở lên... Bà Nguyễn Mỹ Thuận cho biết: “Sau một thời gian dài phải vật lộn với nhiều khó khăn, rất ít DN còn “sức khỏe tốt”. Do vậy, DN rất cần có sự trợ lực, nhất là về vốn để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài việc cần được tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp, hiện các DN rất mong Nhà nước xem xét có chính sách giảm hoặc giãn thu các loại thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng (VAT). Trong đó, cần xem xét giảm thuế thu nhập DN còn 22-23% thay vì 25% như hiện nay. Đặc biệt về thuế giá trị gia tăng, DN rất mong được Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho DN được chậm nộp từ 3 - 6 tháng”.

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành công thương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ DN vượt khó. Hiện nay, Sở Công Thương thành phố đã lên danh sách DN được ưu tiên cung cấp điện trong mùa khô, giúp DN đảm bảo sản xuất. Sở Công Thương thành phố cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm ở nội địa... cho DN. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng: “Tình hình khó khăn của DN không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã âm ĩ diễn ra từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Cuối năm 2011, có khá nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động hoặc ngừng hoạt động. Số lượng DN hoạt động theo đúng năng lực còn khá ít. Thời điểm này, DN rất cần Nhà nước có các hỗ trợ về chính sách vĩ mô và các biện pháp hỗ trợ cụ thể khác giúp DN giảm bớt khó khăn. Trong đó, thành phố và các bộ, ngành trung ương nên xem xét có chính sách hoãn hoặc giảm thuế để DN xoay xở và củng cố lại sản xuất. Bên cạnh đó, hiện các DN tại ĐBSCL cũng rất cần được các ngành chức năng ở địa phương và trung ương đảm bảo tốt việc cung cấp điện phục vụ sản xuất, đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông để có thể giảm chi phí vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa...”.

VĂN CÔNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết