20/05/2025 - 19:42

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Kiến nghị về chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh thành doanh nghiệp 

(TTXVN) - Ngày 20-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Các đại biểu quan tâm đến việc thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Một số đại biểu nêu ý kiến về đề nghị đưa đối tượng hộ kinh doanh (HKD) vào dự thảo luật và có chính sách thúc đẩy HKD thành doanh nghiệp (DN).

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW đã yêu cầu rất rõ ràng, khuyến khích chuyển đổi HKD sang mô hình hoạt động DN, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với HKD chậm nhất trong năm 2026. Trong khi đó, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có khoảng 5 triệu HKD và hơn 940.000 DN, tức là HKD đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Đại biểu nhận thấy, Luật DN hiện hành và dự thảo Luật đều chưa đề cập đến việc cải cách mô hình HKD.

Theo đại biểu, Luật DN hiện hành còn vướng mắc là vẫn duy trì mô hình DN tư nhân, một loại hình kinh doanh do một cá nhân làm chủ chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình và không có tư cách pháp nhân. Theo quy định hiện nay, DN được phân chia thành hai nhóm, DN có tư cách pháp nhân gọi chung là công ty, DN không có tư cách pháp nhân, DN tư nhân.

Trước những vướng mắc, hạn chế của quy định hiện hành, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ HKD sang mô hình DN gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 như tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW; ban hành Luật DN tư nhân mới thay thế cho cả mô hình V và DN tư nhân. Đồng thời, để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, dự thảo Luật cần được thiết kế theo nguyên tắc thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định, áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán, bảo đảm công bằng và minh bạch.

Trao đổi về đề nghị đưa đối tượng HKD vào dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi Bộ Tài chính nghiên cứu để trình Chính phủ và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 cũng đã tính toán việc thực hiện mục tiêu có 2 triệu DN vào năm 2030 và 3 triệu DN vào năm 2045. Theo đó, việc các HKD chuyển dịch thành DN vừa và nhỏ sẽ góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu này, cùng với các mục tiêu về phát triển kinh tế và thu ngân sách.

Chính vì vậy, trong Nghị quyết đã tính toán đầy đủ những giải pháp, biện pháp để thúc đẩy khuyến khích HKD đủ điều kiện, khả năng chuyển sang DN như miễn thuế thu nhập DN cho các DN mới thành lập; hỗ trợ tiền thuê đất; giảm thiểu các thủ tục, điều kiện về kế toán, về lao động, về kê khai thuế… Cùng với đó là siết chặt quản lý đối với HKD theo hướng bỏ thuế khoán, thực hiện kê khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế như DN phải xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền…

“Với những giải pháp này, HKD hoạt động theo mô hình DN sẽ có nhiều ưu đãi, nhiều thuận lợi hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

Các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến việc bổ sung đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành làm việc tại DN, bao gồm viên chức.

Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội đã có quy định cho phép viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, được góp vốn tham gia quản lý, điều hành DN, làm việc tại DN do tổ chức đó thành lập, hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng đã quy định viên chức làm việc tại tổ chức khoa học công nghệ được góp vốn tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Nhằm thể chế hóa tại luật đối với đối tượng còn lại là viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, dự thảo Luật đề xuất bổ sung quy định đối tượng viên chức, viên chức quản lý làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn tham gia quản lý, điều hành DN do cơ sở đó thành lập, hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Xuân Tùng

Chia sẻ bài viết