16/05/2008 - 10:29

Từ ngày 1-1-2009

Kiểm tra, cấp chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

* TP Cần Thơ: Nuôi thủy sản phải có giấy chứng nhận

(CT)- Bộ NN&PTNT vừa có Quyết định số 56/2008/QĐ-BNN ban hành “Quy chế kiểm tra, chứng nhận nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng bền vững”. Các hình thức kiểm tra gồm: cơ sở nuôi lần đầu tiên đăng ký hoặc cơ sở NTTS bị thu hồi chứng nhận có nhu cầu chứng nhận lại. Việc kiểm tra lại được thực hiện tại cơ sở NTTS đã được kiểm tra lần đầu nhưng chưa đạt. Kiểm tra giám sát được thực hiện tại cơ sở NTTS đối với vụ nuôi tiếp theo. Kiểm tra đột xuất được thực hiện khi phát hiện cơ sở NTTS có dấu hiệu vi phạm Quy chế hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Tùy thuộc vào kết quả đánh giá, cơ sở NTTS được chứng nhận theo 3 cấp: thực hành quản lý tốt hơn (BMP), thực hành NTTS tốt (GAqP) hoặc thực hành NTTS có trách nhiệm (CoC).

Việc đăng ký kiểm tra, chứng nhận nuôi thủy sản theo hướng bền vững (cấp độ BMP, GApP) sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2009. Trước mắt tập

trung vào các đối tượng: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra - cá ba sa, tôm hùm. Riêng đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh mới xây dựng thì áp dụng ngay khi quy chế này có hiệu lực.

* Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND (ngày 13-5-2008) quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo quyết định này, tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về nuôi thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; đồng thời, địa điểm xây dựng cơ sở nuôi thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương. Cơ sở nuôi phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật... Khu nuôi thủy sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường như: chất thải phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường về quản lý chất thải; phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi thủy sản; bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại...

Quy định cũng nêu rõ, các hoạt động nuôi thủy sản phải báo cáo với chính quyền xã, phường, thị trấn ngay từ lần nuôi đầu tiên với nội dung cụ thể: địa điểm, số lượng, sản lượng từng loại. Nếu có ký hợp đồng với doanh nghiệp thì phải có bản sao hợp đồng kèm theo...

HÀ TRIỀU - THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết