19/08/2012 - 17:00

ĐBSCL ỨNG PHÓ VỚI LŨ SỚM

Không chủ quan

Mùa lũ 2012 được dự báo đến sớm và có khả năng xuất hiện lũ khá cao với đỉnh lũ ở vùng đầu nguồn ở mức báo động III, cao hơn trung bình nhiều năm. Chính vì vậy, việc chủ động ứng phó với mưa lũ 2012 ngay thời điểm hiện nay là yêu cầu tiên quyết các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang đặt ra. Nhiều địa phương đã chủ động nhiều tình huống cho công tác phòng chống lũ...

Dự báo lũ sớm

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh An Giang đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô chuyển qua mùa mưa, nền nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ năm 2011 khoảng 0,5 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm 1,5 độ C. Do nhiệt độ lên cao, độ ẩm xuống thấp sẽ làm gia tăng lượng nước bốc hơi cao hơn so với trung bình nhiều năm vào khoảng 95 - 105 mm/tháng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình hình mưa bão có thể diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn bất thường trên diện rộng. Tổng lượng mưa và số cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể nhiều hơn những năm trước.

Gia cố hệ thống đê bao tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất do vỡ đê mùa lũ 2011. Ảnh: BẢO TRỊ 

Hiện nay, mực nước sông Mekong tại một số trạm chính vùng trung lưu (khu vực Nam Lào và Bắc Campuchia) đang ở mức cao, xấp xỉ mức cao nhất cùng kỳ. Ông Võ Thạnh, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang, nhận định: “Nhiều khả năng sẽ xuất hiện lũ đầu mùa tại đầu nguồn sông Cửu Long vào giữa cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 (Âm lịch), mực nước tại Tân Châu có thể đạt từ 2,8 - 3m, tại Châu Đốc từ 2,6 - 2,8m. Trong khi đó, lũ chính vụ sẽ bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ cao nhất năm nay sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, có khả năng mực nước ở Tân Châu đạt 4,45 - 4,55m, tại Châu Đốc từ 4,15 - 4,25m, xấp xỉ báo động III và cao hơn so với trung bình nhiều năm (mực nước trung bình tại Tân Châu là 4,23m, tại Châu Đốc là 3,86m)”.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, do bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện rất sớm ở phía Nam biển Đông, mưa trái mùa nhiều ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, vì vậy, dự báo trong mùa mưa, bão, lũ năm 2012, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất... Dự báo, trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện lũ khá cao với đỉnh lũ vùng đầu nguồn ở mức báo động III, cao hơn trung bình nhiều năm...

Đứng trước diễn biến trên, việc chủ động ứng phó với mùa lũ 2012 ngay thời điểm hiện nay là yêu cầu tiên quyết.

Không thể chủ quan

Đó là tinh thần chung và là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống bão lũ của các địa phương vùng ĐBSCL trước mùa lũ 2012. Ngay từ giữa vụ hè thu, sau nhiều chuyến thị sát tình hình sản xuất cũng như đời sống nhân dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xem công tác phòng chống lụt bão là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì công tác này càng phải được chú trọng. Ông Lê Văn Nưng cho rằng: “Năm 2011, một số địa phương đã bị động khi ứng phó với lũ lớn bất ngờ, do vậy đã có những tuyến đê bao mới đưa vào sản xuất vụ ba ngay, bên cạnh tại một số tuyến đê bao cũ do công tác kiểm tra, gia cố chưa thực hiện kịp thời cũng đã khiến người dân mất trắng hàng ngàn diện tích lúa vụ ba. Đây là bài học mà chúng ta cần rút kinh nghiệm trong ứng phó với mùa lũ năm nay. Trước khi bắt tay vào sản xuất vụ 3, các cơ quan chức năng từ tỉnh, huyện, xã, cho đến các khóm, ấp cần phải xác định lại tiểu vùng nào đã đạt yêu cầu, tiểu vùng nào cần phải gia cố, nâng cấp, nếu không đảm bảo an toàn thì chưa nên tổ chức sản xuất”.

Đầu tháng 5-2012, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, lũ bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo các cơ quan ban, ngành, quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2012 đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp hữu quan và các địa phương cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra); có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện của ngành, địa phương để chủ động và kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống khi có lũ bão, thiên tai, sạt lở đất xảy ra, đồng thời tổ chức trực ban phòng chống lụt bão nghiêm túc, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm mùa mưa, lũ bão.

Chuẩn bị ứng phó!

Dự kiến năm nay, toàn tỉnh An giang sẽ xuống giống khoảng 232.500 héc-ta lúa hè thu, 145.000 héc-ta lúa vụ 3 và 5.300 héc-ta vụ mùa. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương phải tập trung chỉ đạo, tổ chức bảo vệ sản xuất cho nông dân. Trong đó, công tác kiểm tra, gia cố đê bao, nhất là các vùng đê bao mới, cần phải được thực hiện khẩn trương. Ngay từ bây giờ, trước khi lũ về, tất cả các ngành, các cấp cần rà soát, huy động lực lượng túc trực, tập kết phương tiện máy móc, vật tư tại chỗ ở các tiểu vùng sản xuất. Đồng thời, chủ động tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ, chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu để cứu trợ kịp thời cho người dân khi cần thiết. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, đến nay, tất cả các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đã củng cố kiện toàn thành viên và đã triển khai kế hoạch năm 2012 với mục tiêu giảm tối đa thiệt hại, bảo vệ tính mạng tài sản nhân dân, an toàn sản xuất vụ thu đông và các cơ sở hạ tầng. Để bảo vệ sản xuất vụ thu đông 150 ngàn héc-ta, trong đó có diện tích mở mới và chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang màu khoảng 24 ngàn héc-ta, các huyện thị đã được tỉnh hỗ trợ từ nguồn cấp bù thủy lợi phí 164,4 tỉ đồng để nạo vét kênh mương và gia cố đê bao, duy tu sửa chữa cống... phục vụ công tác chống lũ, bảo vệ sản xuất. Địa phương kết hợp nguồn vốn trong phát triển nông thôn mới đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng công tác chống lũ. Đồng thời, vận động nhân dân đóng góp để cùng Nhà nước mở mới sản xuất vụ 3. Tỉnh còn tập trung đầu tư 170 trạm biến áp phục vụ diện tích mở mới 24 ngàn héc-ta...

Thiệt hại khá nặng trong mùa lũ 2011, vì vậy, ngay từ đầu năm 2012, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp huyện, tổ tìm kiếm cứu nạn các cấp, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thành lập đoàn khảo sát các công trình xung yếu trên địa bàn và triển khai kế hoạch, phê duyệt danh mục nạo vét, gia cố các tuyến đê bao, cống đập trước mùa mưa bão. Theo đó, huyện đã nạo vét 45 kênh rạch lớn nhỏ, gia cố 58km đê bao, khắc phục 15 đoạn đang bị sạt lở và gia cố 15 cống, đập với tổng kinh phí thực hiện 13,9 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Huyện cũng đã đầu tư còi báo động cho các xã, thị trấn với tổng kinh phí 260 triệu đồng, để kịp thời thông tin cho người dân chủ động đối phó khi có bão đỗ bộ vào địa bàn. Điều đáng ghi nhận là ý thức phòng chống lụt bão của người dân xứ cồn rất cao, nên khi được vận động, họ đã tự gia cố bờ bao với tổng khối lượng đào đắp gần 372.000 m3, ước kinh phí thực hiện 8,4 tỉ đồng. Anh Lê Văn Nghĩa, ấp An Phú, xã An Thạnh Nam, cho biết: “Năm ngoái, nơi đây bị vỡ đê, nhấn chìm 180 gốc bưởi da xanh 4 năm tuổi và hơn 100 gốc nhãn. Năm nay, mới tháng 3, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đã có vỡ đê, đủ thấy thời tiết bây giờ khó đoán trước được lắm. Ngoài chuyện Nhà nước đầu tư, mỗi người dân ở đây đều tự nâng cấp thêm bờ bao của mình cho chắc chắn hơn, cao hơn để bảo vệ vườn cây ăn trái, ao cá...”.

Lãnh đạo TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn các quận, huyện của thành phố. Để công tác này đạt hiệu quả cao, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: Các đơn vị cần kết hợp chặt chẽ trong thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện chủ động và kịp thời cứu hộ, cứu nạn... khi có sự cố xảy ra...

Nhóm PV - CTV

Chia sẻ bài viết