08/03/2012 - 21:47

Khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Chiến lược liên quan đến phát triển giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020

Ngày 8-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng) đã chủ trì phiên họp Hội đồng để thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Tham dự Cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng.

Theo Dự thảo Chiến lược, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 là nền giáo dục nước ta đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, dần từng bước hình thành xã hội học tập.

Từ mục tiêu tổng quát, dự thảo Chiến lược đã xác định các mục tiêu cụ thể trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên.

Về Dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 cơ bản có bố cục giống với dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020. Chiến lược này đã khái quát rõ những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển dạy nghề thời kỳ 2001 - 2010; Bối cảnh, thời cơ và thách thức đối với dạy nghề nước ta thời kỳ 2011 - 2020; Quan điểm, mục tiêu phát triển dạy nghề; những giải pháp phát triển dạy nghề...

Dự thảo Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 xác định mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.

Các mục tiêu cụ thể của Chiến lược là thực hiện đào tạo nghề để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người.

Thảo luận, đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo Chiến lược nêu trên, các thành viên của Hội đồng cơ bản bày tỏ sự đồng tình với các nội dung mà 2 dự thảo Chiến lược đã nêu; cho rằng việc xây dựng và ban hành các Chiến lược này là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và xã hội là 2 bộ chủ trì soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung và sớm hoàn thiện các dự thảo Chiến lược này trên tinh thần bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, dạy nghề để đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; cố gắng định lượng, tiêu chí hóa các mục tiêu cụ thể được đề cập trong các Chiến lược. Cùng với đó, có những đề xuất hiệu quả nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động, xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi, sống được bằng nghề...

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết