Bài, ảnh: MAI THY
Nói về cơ ngơi gầy dựng bao năm qua, chú Hồ Văn Nhã, ở khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, bộc bạch: “Tài sản vợ chồng tôi trao lại con cháu đều từ sức lao động, thấm đẫm mồ hôi vất vả, gian nan. Giờ tuổi đã cao nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau cố gắng làm lụng, không chỉ tạo ra của cải mà còn làm gương cần mẫn cho con cháu”.
Chuyên trồng 2 loại rau thơm và cần ống, chú Nhã có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Mỗi sáng sớm, tại sân nhà chú Nhã, các chị em trong xóm lựa, cân và bó rau, chờ thương lái đến chở bỏ mối các nơi. Cứ vào đợt thu hoạch rộ, nhất là các tháng hè, lượng rau tiêu thụ nhiều, chú Nhã mướn khoảng 6 người phụ việc. Chú Nhã nói: “Tôi vui khi tạo được việc làm thường xuyên cho bà con trong xóm. Tôi động viên mọi người cố gắng và trả công tương xứng”.
Là nông dân “rặt” ở khu vực Thới Bình, 26 tuổi, chú Nhã lập gia đình và làm mướn mưu sinh. Chú Nhã bàn với vợ bán đôi bông tai - món nữ trang cưới duy nhất, làm vốn “khởi nghiệp” với bầy vịt 200 con. Cô Nguyễn Thị Phương, vợ chú Nhã, hết lòng ủng hộ chồng. Mỗi sáng, chú Nhã chăn bầy vịt, cô ở nhà chăm 2 con nhỏ, nhận việc làm mướn. Trong 3 năm đầu, cứ bán bầy vịt này, chú gầy bầy vịt khác, tích cóp mua 2 công đất. Không nề hà cực nhọc, chắt chiu từng đồng, chú Nhã dần “sở hữu” 10 công đất trồng lúa 3 vụ, tích lũy cất nhà tường, nuôi 2 con ăn học. Chú Nhã kể: “Từ khi tham gia sinh hoạt chi hội nông dân, tôi chịu khó dự các lớp tập huấn, khuyến nông, học hỏi nhiều cách làm hay, hiệu quả. Tôi bắt đầu thực nghiệm trồng vài công rau màu, hoa kiểng, tự giới thiệu sản phẩm, tìm mối lái tiêu thụ lâu dài bằng uy tín. Tuy nhọc nhằn thức khuya dậy sớm nhưng bù lại lợi nhuận tăng đáng kể nên tôi phấn khởi dồn sức lao động”. Những khi thất bại, vợ chồng chú Nhã lại động viên nhau “thua keo này, bày keo khác”.
Hơn 20 năm nay, chú Nhã áp dụng sản xuất theo quy trình “luân canh”. Từ tháng 2 đến tháng 8, chú Nhã cải tạo đất trồng 8 công rau thơm và cần ống. Chú dành riêng 2 công đất gieo hạt giống hoa cúc pha lê và đồng tiền, để kịp vô chậu, chăm bón, bán mỗi dịp Tết. Mỗi ngày, từ 3 giờ sáng, chú và con trai ra rẫy cắt rau. Tùy thời giá, dao động từ 10.000-30.000 đồng/kg rau, thu nhập từ 5-10 triệu đồng/ngày. Từ tháng 10, chú Nhã trồng 5 công lúa vụ đông xuân và 5 công rau, hoa cúc. Mỗi vụ lúa, chú Nhã thu nhập từ 20 triệu đồng. Vào dịp Tết Nguyên đán, chú Nhã bán từ 1.000 chậu cúc pha lê và 1.000 chậu cúc đồng tiền. Nhờ chịu khó áp dụng phương thức sản xuất luân canh, chú Nhã không để mình và đất “nghỉ”, mang lại lợi nhuận mỗi năm khoảng 230 triệu đồng. Chú Nhã bộc bạch: “Nghề ruộng rẫy vất vả lắm, phải thật sự bám đất, yêu nghề và khéo tính toán, mới được thành quả”.
Quá trình sản xuất, chú Nhã luôn có con trai đồng hành, phụ giúp việc canh tác, tính toán, cân đối giá cả vật tư đầu vào, nông sản đầu ra. Chú Nhã nói: “Con trai tôi nhạy bén tiếp cận, kết nối nhiều nguồn thông tin, học hỏi phương thức, cách làm mới để áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình, nhằm tiết giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế”. Chú Nhã còn dành hẳn khoảng vườn rộng trồng hoa lan, mai và kiểng với nhiều kiểu dáng, là nơi thư giãn sau mỗi ngày làm việc vất vả, vừa tăng thu nhập với việc nhận chăm sóc mai, kiểng sau mỗi dịp Tết.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, chú Nhã lạc quan “lên” kế hoạch ươm giống, vun đất, đặt mua chậu chuẩn bị vụ hoa Tết. Nghe chú kể, nhìn chú làm việc, chúng tôi càng thấm thía ý nghĩa thành quả của sự cần lao, vươn lên từ gian khó.