06/11/2019 - 18:30

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Sáng 6-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường.

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhiều vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tình trạng nông sản được mùa mất giá, tình trạng đánh bắt thủy hải sản trái phép...

Đánh giá về kết quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các đại biểu cho rằng, chương trình đã tạo những bước đột phá, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: Đời sống của người dân vùng nông thôn mặc dù đã được nâng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu ban đầu là 2,5 lần, nhưng so với thực tế và yêu cầu, nguyện vọng của người dân thì con số này vẫn còn thấp. Đồng thời, một chỉ tiêu chất lượng quan trọng khác vẫn chưa đảm bảo là chỉ tiêu về môi trường, mới có 63,7% số xã có thu gom rác thải, chưa nói đến xử lý rác thải.

Bên cạnh đó, việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất lớn, sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn đã định dạng được nhưng chưa phổ biến tại nhiều vùng miền. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành nông nghiệp cùng một số ngành liên quan tham mưu để giai đoạn 2021-2025 sẽ định dạng rõ ràng các mục tiêu lớn, tập trung nguồn lực, sự chỉ đạo và các nhóm giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm những nút thắt và vấn đề còn tồn tại trong thúc đẩy sản xuất, đảm bảo văn hóa - xã hội, vấn đề môi trường, tổ chức sản xuất lớn trong xây dựng nông thôn mới.

Trả lời vấn đề về tình hình biến đổi khí hậu thất thường tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tăng cường các khâu trong quá trình ứng phó, cố gắng dự báo sát và kịp thời hơn; phương châm ứng phó cần được thực hiện tích cực, đồng bộ hơn ở tất cả các cấp. Tới đây, trong chương trình đầu tư trung hạn cho các mục tiêu phát triển bền vững, nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phải được coi là một trong những nhóm ưu tiên nhất.

Trả lời vấn đề về giải quyết tình trạng chênh lệch trong phát triển giữa các vùng miền, Bộ trưởng cho rằng đây là một nội dung mà khi xây dựng các chính sách giai đoạn 2021-2025 cần điều chỉnh kể cả về mặt chủ trương, nguồn lực và biện pháp chỉ đạo để cố gắng giảm dần khoảng cách, tiến tới đồng đều trong sự phát triển chung của đất nước.

Đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng về giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi theo báo cáo mới chỉ có 8% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động đầu tư.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến nay tương đối đầy đủ, đặc biệt là Nghị định 57/NĐ-CP. Với chức năng của mình, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ rà soát quá trình triển khai các nội dung đã quy định tại Nghị định 57/NĐ-CP và Nghị quyết 53/NQ-CP. Bộ cũng sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương, theo chính sách của Nghị định 57/NĐ-CP, để xây dựng chương trình, dự án cụ thể cho thời gian tới.

Đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến những bất cập của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có  hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chính sách hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 không phù hợp, dẫn đến tâm lý ỷ lại, trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về mức hỗ trợ bảo hiểm tàu cá. Trong tháng 12-2019, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết toàn bộ 28 tỉnh, thành để sớm đưa ra quyết sách.

Về trình trạng nợ xấu khi thực hiện đóng tàu vỏ sắt, tham gia giải trình cụ thể hơn về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, tập trung thu nợ trước, thu lãi sau. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tất cả các giải pháp này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả.

TTXVN

Chia sẻ bài viết