14/12/2016 - 21:50

Kết nối, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp

Hoạt động khởi nghiệp ở TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ. Các mô hình khởi nghiệp, hoạt động hỗ trợ ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tất cả đang kết nối, truyền cảm hứng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp biến những ý tưởng sáng tạo, táo bạo trở thành những hành động thực tiễn, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, của vùng và cả nước.

Xây nền tảng

Những năm qua, kinh tế TP Cần Thơ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu khá tích cực. Bình quân 5 năm (2011-2015), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố đạt 5,88%/năm. Song song đó, số lượng cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn thành phố tăng khá, với khoảng 1.000 doanh nghiệp mới thành lập/năm, tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 lao động. Hiện nay, toàn thành phố có trên 67.550 hộ kinh doanh, trên 200 hợp tác xã và trên 12.000 doanh nghiệp các loại hình đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 96.900 tỉ đồng.

Nhóm khởi nghiệp về sản phẩm tranh gạo ở quận Ninh Kiều trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Phiên chợ khởi nghiệp do Thành đoàn và Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: QUỐC THÁI 

Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Kết quả phát triển kinh tế của thành phố có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh. Doanh nghiệp với phương thức kinh doanh năng động, hiệu quả, góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp còn tham gia ủng hộ và tài trợ tích cực cho các công trình phúc lợi xã hội và các hoạt động văn hóa xã hội của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, trong điều hành kinh tế, chính quyền các cấp của thành phố đã có những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, có ý thức kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2015 xếp hạng 14/63 tỉnh thành trên cả nước, nằm trong nhóm có "chất lượng điều hành khá tốt". Chỉ số cải cách hành chính công (PAPI) cũng tăng đáng kể, năm 2015, đạt mức 2/63 tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, tạo được môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố hoạt động có hiệu quả. Đây là những nền tảng để chính quyền thành phố tiếp tục nỗ lực, tạo lập môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, ổn định và hiệu quả trong thời gian tới.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, các hoạt động khởi nghiệp đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ ngày càng phong phú về cả hình thức lẫn lĩnh vực. Trong đó, tập trung chủ yếu một số ngành, lĩnh vực kinh doanh nhiều tiềm năng, như: công nghiệp chế biến, khoa học và công nghệ, vận tải kho bãi… TP Cần Thơ cũng đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch Khởi sự doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Ông Trương Quốc Trạng cho biết: Kế hoạch nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo trong kinh doanh cho cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Sự tăng trưởng này phải dựa trên tài sản, trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; trong đó đặc biệt quan tâm đến giới trẻ với ý chí cầu tiến, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, vượt khó và vươn lên làm giàu chính đáng.

Dự thảo Kế hoạch khởi sự doanh nghiệp của TP Cần Thơ đặt mục tiêu: xây dựng và tạo lập hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bằng những chính sách, công cụ hỗ trợ đầu tư kinh doanh, các quỹ đầu tư, các tổ chức ươm tạo và phát triển ý tưởng khởi nghiệp, các hoạt động tư vấn, duy trì và phát triển doanh nghiệp. Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; có ít nhất 12.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 63% GDP của thành phố; trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp khoảng 38% GDP…

Bài liên quan:

Nâng cao chỉ số khởi nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Truyền cảm hứng và cổ vũ tinh thần khởi nghiệp đang diễn ra khá sôi nổi như hiện nay là một việc làm thiết thực. Vì thế, thành phố tiếp tục xây dựng, kiến tạo chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Theo đó, thành phố nỗ lực huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại. Đặc biệt là thực hiện 3 khâu đột phá: Xây dựng và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ngang tầm nhiệm vụ; tạo điều kiện thu hút lực lượng trí thức, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực phát triển của thành phố. Tập trung huy động mọi nguồn lực, kết hợp vận dụng cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong các lĩnh vực sản xuất đời sống xã hội. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử và rút ngắn thời gian khi giải quyết các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Tạo kết nối

Để tạo hệ thống nối kết và hỗ trợ khởi nghiệp ở vùng ĐBSCL với kế hoạch dài hạn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã và đang triển khai chương trình Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL (Mekong Startup) giai đoạn 2016-2020. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Vấn đề cơ bản của khởi nghiệp, của Mekong Startup là nguồn cung (lực lượng khởi nghiệp); nhu cầu (sử dụng các sáng kiến, các giải pháp); không gian làm việc, vườn ươm (điều kiện cứng); thể chế, môi trường kinh doanh năng động (điều kiện mềm). Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mekong Startup là tạo sự kết nối giữa các địa phương, trong đó lấy TP Cần Thơ là trung tâm, xây dựng mô hình liên kết có hệ thống, trong đó VCCI đóng vai trò dẫn dắt và cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan. Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, có được hạ tầng tốt cho khởi nghiệp, như: hệ thống vườn ươm doanh nghiệp, các trung tâm giáo dục, đào tạo nghề, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, hệ thống thông tin kết nối và đô thị dịch vụ phát triển… Vì vậy, sự trợ lực của thành phố trong việc thực hiện Mekong Starup sẽ góp phần đạt mục tiêu chung: Xây dựng một lực lượng doanh nghiệp mới đông đảo về số lượng, năng động, có khả năng cạnh tranh và hội nhập tốt để tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, từ đó giải quyết việc làm và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Đặc biệt, TP Cần Thơ có quy mô hệ thống giáo dục bậc đại học và cao đẳng đứng đầu ĐBSCL, chiếm 42,04% tổng số sinh viên đại học và cao đẳng. Nhiều ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ và VCCI Cần Thơ liên kết tổ chức nhiều hội thi khởi nghiệp (theo lĩnh vực, ngành nghề…) ở hệ thống các trường học. Qua đó hun đúc những ý tưởng, tạo động cơ khao khát lập nghiệp của giới trẻ, nhất là sinh viên học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh việc trang bị kiến thức, tinh thần, những kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp cho đội ngũ giáo viên. Đây là lực lượng tuyên truyền viên hiệu quả, góp phần kết nối, tạo lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thành phố và cả ĐBSCL.

Hà Triều

Chia sẻ bài viết