25/04/2014 - 09:03

Hợp lực phát triển sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL

ĐBSCL có nhiều sản phẩm nông nghiệp đã vươn ra nhiều châu lục trên thế giới. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; đầu tư dàn trải; thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm… không chỉ là rào cản trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng mà còn làm nghẽn tiến trình đưa ĐBSCL trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước.

Còn nhiều băn khoăn

Thời gian qua, các tỉnh, thành trong vùng đều dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có để quy hoạch và đưa một số sản phẩm vào chiến lược phát triển riêng của địa phương. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Gấm, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, hiện sản phẩm chủ lực của ĐBSCL phát triển ở 2 cấp độ: cấp vùng và địa phương. Trong đó, sản phẩm chủ lực cấp vùng phải kể đến lúa gạo, thủy sản (cá tra và tôm). Ngoài ra, một số địa phương đã tiến hành nghiên cứu, xác định sản phẩm chủ lực và đề ra chương trình hỗ trợ phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Điển hình như, tỉnh Tiền Giang tập trung phát triển các loại trái cây đặc sản (vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công…), lúa chất lượng cao, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm, nghêu). Tỉnh Vĩnh Long chọn các sản phẩm nông nghiệp (lúa gạo, trái cây, thịt heo, rau, nuôi trồng thủy sản …) đóng vai trò chủ đạo. Riêng TP Cần Thơ xác định phát triển sản phẩm đặc thù trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp-thủy sản, công nghiệp chế biến, thương mại-dịch vụ…

Thu hoạch lúa tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Theo Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dựa vào điều kiện tự nhiên và kết quả quá trình phát triển sản xuất trong nhiều thập kỷ qua, có thể xác định một số sản phẩm mũi nhọn tạo điều kiện hình thành và phát triển một số cụm liên kết. Đó là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Những sản phẩm lợi thế, đặc thù này đã thực sự chứng tỏ thế mạnh của mình trên trường quốc tế, góp phần đem lại thu nhập cho địa phương. Chiếm trên 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm của cả nước, cùng với gạo, ĐBSCL là vùng nuôi thủy sản lớn nhất nước với diện tích chiếm 70%, sản lượng chiếm 78%, đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ở ĐBSCL đã hình thành các cụm nhà máy chế biến phát triển ở tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang và TP Cần Thơ. ĐBSCL cũng là vùng có truyền thống trồng cây ăn trái và hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái (Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…). Các nhà vườn còn ứng dụng quy trình sản xuất theo GAP để nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Mặc dù ĐBSCL có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; đầu tư dàn trải, thiếu tập trung đã gây lãng phí nguồn lực. Mỗi tỉnh, thành phát triển sản phẩm chủ lực theo cách riêng, mạnh ai nấy làm hoặc mô phỏng lẫn nhau dẫn đến tình trạng cạnh tranh nội bộ và năng lực cạnh tranh giảm sút. Liên kết thị trường trong nội bộ vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng, song vẫn chưa phát huy được liên kết để khai thác tiềm năng của vùng. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở hạ tầng yếu kém, không đồng bộ, thiếu kết nối, chi phí cao (đặc biệt là giao thông vận tải); chất lượng nguồn nhân lực thấp chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo đang là rào cản lớn mà các địa phương phải vượt qua. Mặt khác, các cụm ngành của ĐBSCL vẫn đang trong quá trình hình thành, mới ở dạng sơ khai, nên ĐBSCL cần tiến hành đồng bộ các giải pháp có liên quan đến quy hoạch, đầu tư, liên kết, thị trường, phát triển nguồn nhân lực… nhằm tạo ra môi trường phát triển sản phẩm một cách hiệu quả và ổn định cho toàn vùng.

Tìm hướng đi phù hợp

Để tạo điều kiện cho các dòng sản phẩm chủ lực của ĐBSCL phát triển, khẳng định vị thế trên thị trường, Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đề xuất hình thành cụm liên kết tiềm năng của vùng ĐBSCL đối với sản phẩm lúa gạo, trái cây và thủy sản. Theo đó, sản phẩm lúa gạo cần tập trung cho các giải pháp như: nghiên cứu giống lúa mới, công nghệ sau thu hoạch, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ xây mới hoặc mở rộng, nâng cấp các kho trữ gạo; cải thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa; đổi mới cơ chế quản lý xuất khẩu gạo. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL; tập trung hoàn thiện cơ cở hạ tầng kinh tế; khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng ngân hàng) và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm chủ lực này…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Gấm, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, phát triển sản phẩm chủ lực ĐBSCL cần tập trung vào 7 nhóm giải pháp: quy hoạch, liên kết, khoa học công nghệ, đầu tư, thị trường, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Đặc biệt, nhóm giải pháp về liên kết cần chú trọng liên kết vùng chuyên canh, tập trung sản xuất; liên kết chuỗi sản xuất và liên kết "4 nhà". Ông Trương Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ, cho rằng, để khắc phục nhược điểm, rào cản đưa các sản phẩm chủ lực của vùng phát triển cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó liên kết trong sản xuất (nông dân-nông dân, nông dân-doanh nghiệp) với những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, "cánh đồng lớn"… cần được nhân rộng. Liên kết nông dân - nông dân nhằm thực hiện "hành động tập thể" và lợi ích từ "hành động tập thể" mang lại phải lớn hơn hành động riêng lẻ do từng cá nhân quyết định. Làm tốt liên kết giữa nông dân- nông dân cũng nhằm tạo ra điều kiện nội lực để thực hiện liên kết nông dân-doanh nghiệp.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với sự đồng thuận của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã thống nhất giao Trường Đại học Cần Thơ kết hợp với Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam xây dựng Chương trình Phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL thông qua liên kết vùng, với sự tham gia của "4 nhà". Chương trình gồm 5 dự án: Phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; phát triển sản xuất và tiêu thụ trái cây; hỗ trợ đề án cá tra và tôm qua tham gia "4 nhà"; liên kết đào tạo nghề nông thôn để thực hiện 3 Dự án trên và nghề phi nông nghiệp theo yêu cầu địa phương; cơ chế, tổ chức và chính sách thực hiện các dự án nêu trên. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Nếu Chương trình trên được Chính phủ thông qua và tổ chức thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình sẽ là nền tảng khoa học và thực tiễn vững chắc để phát triển và cải thiện năng lực cạnh tranh ngành hàng chủ lực. Qua đó tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, trái cây, nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển nông thôn ở ĐBSCL.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết