15/02/2008 - 21:32

Hơn 10 năm hái rau làm từ thiện

Chị Đoàn Thị Bé Tư.

Về ấp Phú An, xã Phú Quí, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi thăm, ai cũng biết chị Đoàn Thị Bé Tư là người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, hơn 10 năm hái rau làm từ thiện.

Chị sinh năm 1960 trong một gia đình nông dân ở xã Phú Quí. Năm 19 tuổi chị đi lấy chồng. Anh Nguyễn Văn Ngộ là người thanh niên hiền lành, chăm chỉ làm ăn, lo toan cho cuộc sống gia đình. Vợ chồng chị Bé Tư nhờ siêng năng, cần mẫn, qua nhiều năm vất vả, tích góp đến nay, anh chị cũng đã có cơ ngơi khá giả, nhà cửa khang trang, cuộc sống có của ăn, của để.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, chị kể: “Mới lấy nhau nghèo lắm, nói cô đừng cười, hai vợ chồng tiện tặn đến nỗi đánh răng bằng muối quanh năm, lóng nước tro để giặt đồ, chà gạo thì vừng lấy gạo trọng đem bán còn gạo tấm để ăn, đến bữa nấu cơm phải ngồi lượm bông cỏ hàng giờ. Tằn tiện, chắt cóp, hai vợ chồng mới mua được một thùng phóng lúa mướn cho bà con trong vùng. Lại tiếp tục tằn tiện, ban ngày phóng lúa, ban đêm đi bơm nước mướn. Nhờ tiết kiệm, mỗi năm anh chị cũng dư được vài trăm giạ lúa. Rồi gia đình nuôi chục con heo, trăm con gà, vài trăm con vịt, vài ngàn con cá tra, mỗi năm thu nhập cũng được mươi triệu đồng, cuộc sống không còn nghèo khổ nữa”...

Cũng vì từ nghèo khổ vươn lên, nên chị Bé Tư rất thương những người nghèo. Hễ thấy ai khó khăn là chị giúp, có cái gì giúp cái ấy. Thấy chị Năm hàng xóm đi làm công lột nhãn cho một cơ sở ở xa nhà bịnh hoài, chị cho chiếc xe đạp của mình cho chị Năm đi đỡ cực. Thấy em Trúc Phương, học trò nghèo ham học và học giỏi, cha mẹ nghèo không mua nổi chiếc xe đạp, thương quá chị cũng cho luôn chiếc xe đạp còn lại của gia đình. Cô Kim Châu (cán bộ hưu trí của xã) hết lời khen ngợi: “Vợ Hai Ngộ thiệt là người phụ nữ nhân hậu. Hơn 10 năm liền, không có cuộc vận động đóng góp nào mà không có vợ Hai Ngộ, từ góp quỹ tổ chức tặng quà cho trẻ em nhân ngày Tết Trung thu đến góp quỹ “Từ thiện vì người nghèo của xã”, rồi đóng góp quỹ “Tấm lòng vàng”...

Chị Bé Tư là người sống rất mực thước. Để trọn vẹn nghĩa tình, trọn phận làm dâu chị không sử dụng đồng tiền chung của gia đình làm ra để làm từ thiện mà hàng ngày chị tranh thủ những lúc công việc nhà rảnh rỗi ra vườn trồng và hái rau đem ra chợ bán, được bao nhiêu bỏ vào ống heo để đến lúc cần thì lấy ra làm từ thiện. Trung bình, hàng tháng chị cắt bán được từ 60 -70 kg rau. Những bạn hàng ngoài chợ biết chị bán rau về làm từ thiện nên cũng mua lại với giá rất hời (4.000 đồng/kg, thay vì chỉ sang lại có 2.000 đồng/kg). Chị Bé Tư nói: “Mình làm việc này xuất phát từ tấm lòng, không phải để phô trương lấy tiếng, chị muốn làm gương cho con, mai sau cũng học y như chị mà đối đãi với đời”.

Năm 2007, thấy bà con trong ấp ngoài việc đồng áng rảnh rỗi, muốn kiếm thêm thu nhập cũng chẳng biết làm gì. Chị bàn với con gái lãnh hàng đông lạnh gia công từ Công ty Thủy sản Tiền Giang mang về tận nhà giao cho bà con làm. Cả một năm trời thức khuya, dậy sớm, ra công chứ không ăn huê hồng, có khi còn bù vốn vì tính tròn lên cho bà con (1,9kg làm tròn thành 2kg; 19.000 đồng làm tròn thành 20.000 đồng), chị đã góp phần giải quyết việc làm cho 90 lao động nhàn rỗi trong ấp, cải thiện cuộc sống cho hàng mấy chục hộ gia đình.

Đến Tết Trung thu thấy bọn nhỏ trong xóm không có bánh ăn, lồng đèn để chơi, chị đập ống heo mua lồng đèn ông sao cho các cháu, nấu đậu, buộc hàng trăm bịch sinh tố bỏ vào tủ lạnh của gia đình mình đông sẵn, đêm Trung thu phát cho các em.

Nhìn vào gương cha mẹ, ba người con của anh chị (Nguyễn Thị Thùy Dung, Nguyễn Công Trãi, Nguyễn Thanh Phong) đều là những đứa con ngoan, học hành đỗ đạt, lần lượt đậu vào đại học (Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa, Đại học Văn Lang) trở thành người hữu dụng.

Bài, ảnh: HOÀNG THI

Chia sẻ bài viết