28/04/2023 - 11:55

Hôm nay, khai hội Bánh dân gian Nam Bộ 

Bài, ảnh: ÁI LAM

Hôm nay, ngày 28-4, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X - năm 2023 (lễ hội) với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ” chính thức diễn ra tại Quảng trường quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ðông đảo nghệ nhân chuẩn bị chu đáo, đem đến lễ hội nhiều món ngon cho thấy chiều sâu văn hóa ẩm thực Nam Bộ; bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, xúc tiến thương mại, kết nối du lịch trong khuôn khổ lễ hội.

Cô Võ Thị Mai Lan với bánh mãng cầu.

Nhiều hoạt động thú vị

Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5 (nhằm mùng 9 đến 13 tháng 3 âm lịch); diễn ra song hành cùng nhiều hoạt động của thành phố dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ hội là sự kiện thường niên của TP Cần Thơ nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam và bánh dân gian Nam Bộ; tạo điều kiện để doanh nghiệp, nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu và xây dựng thương hiệu bánh dân gian địa phương. Ðồng thời tăng cường liên kết giữa thành phố với khu vực ÐBSCL và cả nước trong việc xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư phát triển văn hóa ẩm thực, đặc sản vùng miền.

Năm nay, lễ hội có gần 300 gian hàng, gồm các khu: bánh dân gian Nam Bộ, OCOP, trưng bày máy và các sản phẩm phụ trợ làm bánh dân gian, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm. Một số các hoạt động chính gồm: lễ dâng hương và dâng bánh Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ khai mạc, hội thi làm bánh dân gian và chương trình biểu diễn cách làm các loại bánh dân gian, lễ tổng kết và bế mạc.

Lễ khai mạc diễn ra với chương trình văn nghệ đặc sắc, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, những thành tựu của TP Cần  Thơ, những nét đặc sắc trong văn hóa dân gian, tôn vinh các giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và bánh dân gian Nam Bộ nói riêng. Chương trình kéo dài khoảng 65 phút với nhiều liên khúc, ca khúc, đồng dao dân gian độc đáo, như: liên khúc “Ðất Việt tiếng vọng ngàn đời” - “Hào khí Việt Nam”, vè cái bánh, múa “Thương sao chiếc bánh quê mình”, ca khúc “Bánh Việt vươn xa”, ca cổ “Cần Thơ - truyền thống hào hùng”...

Tại lễ hội còn có nhiều hoạt động hưởng ứng: trò chơi dân gian, chương trình “Bánh dân gian và tuổi thơ”, chương trình nghệ thuật phục vụ khách tham quan, các sự kiện, xúc tiến quảng bá du lịch của các tỉnh, thành…

Giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian

Hội thi bánh dân gian Nam Bộ là điểm nhấn của lễ hội. Hội thi không chỉ tạo cơ hội để các nghệ nhân sáng tạo và nâng cao kỹ năng, mà còn là cơ hội để giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian với đa dạng loại bánh của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Năm 2023, hội thi có 27 đơn vị dự thi, 73 món bánh, quy tụ 168 nghệ nhân (47 nghệ nhân chính và 121 nghệ nhân hỗ trợ) đến từ 11 đơn vị: TP Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Ðồng Tháp và Bình Thuận. Các nghệ nhân đã có sự chuẩn bị chu đáo cho hội thi, với đa dạng bánh dân gian và nhiều loại bánh mới, độc đáo, sáng tạo: bánh xèo hoa mít, bánh khọt nhân ốc gạo, bánh quy dừa lá dứa nhân trứng muối, bánh lá mướp, bánh tằm Thới Long sấy khô, bánh sầu riêng…

Tại hội thi năm nay, cô Võ Thị Mai Lan (sinh năm 1961, khu vực 4, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) lần đầu tiên tham gia, cho biết: “Tôi làm bánh mấy chục năm rồi, gia đình làm nhiều loại bánh xưa, gia truyền nên muốn giới thiệu đến mọi người. Tôi dự thi với bánh mãng cầu”. Gia đình cô Mai Lan làm bánh mãng cầu đã 20 năm. Bánh làm từ gạo nếp, được nắn tạo hình trái mãng cầu ta rất kỳ công và cần khoảng 2 ngày để chuẩn bị các khâu. Ðầu tiên là rang nếp với cát đã làm sạch (mỗi lần rang chỉ 1-2kg), sau đó thì sàn lại rồi xay nếp thật nhuyễn, thành bột gạo nếp mịn và thơm; bột sẽ được trộn với đường cát và nước cốt dừa, màu lá dứa. Sau đó thì nắn tạo hình, với nhân bên trong là dừa với đậu phộng rang đã sên. Bánh khi nắn xong sẽ được quết thêm chút màu xanh của lá dứa và áo thêm lớp bột nếp đã xay mịn. Cô Mai Lan nói: “Cắt mấy nhánh lá mãng cầu, trang trí lên thì bánh nhìn y như trái thật. Bánh để cúng ông bà dịp giỗ chạp, Tết nhất. Ngày nay hiếm khi người ta làm bánh này lắm nên tôi dự thi với mong muốn giới thiệu một loại bánh xưa có nguy cơ thất truyền”. Cô Mai Lan có kinh nghiệm làm bánh dân gian gần 50 năm với hơn 20 loại, có nhiều bánh độc đáo: bánh tét 3 nhưn (đậu, chuối, đậu mỡ), bánh nướng với các mô hình khung cảnh làng quê hay sản vật... Cô học nghề làm bánh từ mẹ, thêm sự dụng công, khéo tay và sáng tạo nên làm ra nhiều loại  bánh ngon và lạ. Cô luôn vui vẻ và sẵn lòng truyền bí quyết để làm bánh dân gian cho những ai muốn học.

Nguyễn Thị Hồng Đoan (trái) với hai loại bánh dự thi: bánh cuốn nhưn vịt xiêm và bánh bạc đầu ngũ sắc.

Trong khi đó, nghệ nhân trẻ là chị Nguyễn Thị Hồng Ðoan (sinh năm 1999, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền) cho biết: “Mỗi khi đi chợ quê có bánh gì lạ, ngon là tôi đều mua về ăn thử, sau đó học cách làm. Khi đã làm bánh thành công, tôi sẽ nghĩ đến việc thay đổi, biến tấu một chút về hình thức, công thức để khoác áo mới cho bánh dân gian. Bánh sẽ kết hợp giữa truyền thống và phù hợp xu hướng ẩm thực đương được ưa chuộng. Ví như bánh bạc đầu ngũ sắc, bánh cuốn nhưn vịt xiêm mà tôi đem đến dự thi lần này đều có sự biến tấu làm mới nhưng không mất đi nét truyền thống”.

Theo chia sẻ của Hồng Ðoan, bánh bạc đầu ngũ sắc là một đặc sản ở vùng quê Sóc Trăng - quê nhà của Ðoan. Gọi là bánh bạc đầu bởi vì lớp dừa áo bên ngoài bánh nhìn trăng trắng như bạc đầu. Vốn dĩ bánh này ban đầu chỉ thuần màu trắng, nhưng Hồng Ðoan đã dụng công thêm với các màu sắc tự nhiên từ hoa đậu biếc, hạt dành dành, lá cẩm, lá dứa để tạo cho món bánh thêm phần bắt mắt, hấp dẫn. Nhưn được thay đổi với đường thốt nốt. Khi ăn bánh thì đường thốt nốt sẽ tan chảy vừa thơm vừa béo, ngọt vừa. Thành phần nguyên liệu chính của bánh được làm từ bột nếp rang như bột bánh in nên bánh dẻo lại rất thơm. Riêng với bánh cuốn nhưn vịt xiêm, Hồng Ðoan thay đổi phần nhưn, sử dụng thịt vịt xiêm giàu chất đạm, kết hợp củ hủ dừa, đậu xanh làm cho bánh có vị mới, giàu dinh dưỡng. Vỏ bánh cũng được khoác thêm màu từ các loại thảo mộc tự nhiên. Hồng Ðoan nói: “Tôi tìm hiểu, học cách làm bánh dân gian từ các bà, các dì ở quê; kết hợp học thêm từ các diễn đàn yêu thích làm bánh... kiên nhẫn và sáng tạo làm sao để tạo ra được món bánh vừa giữ chất truyền thống nhưng vẫn có xu hướng hiện đại. Qua hội thi bánh dân gian, tôi mong muốn những chiếc bánh quê sẽ được du khách biết đến nhiều hơn”.

Có thể thấy, qua từng hội thi bánh dân gian của những lần tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, ngày càng có nhiều loại bánh truyền thống, có nguy cơ thất truyền được phát hiện, lan tỏa. Ðồng thời có sự tiếp nối giữa các nghệ nhân lâu năm và thế hệ trẻ, từ đó tạo cơ hội để phát triển nhiều loại bánh vừa truyền thống vừa có nét hiện đại qua sự sáng tạo của nghệ nhân. Từ đó, hình thành nên thương hiệu bánh dân gian độc đáo của Nam Bộ tại Cần Thơ.

Lịch hoạt động Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X - năm 2023

- Lễ khai mạc diễn ra lúc 19h, ngày 28-4, tại sân khấu lễ hội, Quảng trường quận Bình Thủy.
- Trình diễn bộ sưu tập bánh của nhà thiết kế Nguyễn Minh Công, chiều 28-4, tại Quảng trường quận Bình Thủy.
- Lễ dâng hương và dâng bánh Giỗ tổ Hùng Vương, lúc 7h ngày 29-4, tại Đền thờ Vua Hùng.
- Hội thi làm bánh dân gian và chương trình biểu diễn cách làm các loại bánh dân gian, lúc 8h, từ ngày 29-4 đến 1-5, tại khu vực không gian lễ hội Quảng trường quận Bình Thủy.
- Chương trình trò chơi dân gian, từ 29-4 đến 1-5, tại Quảng trường quận Bình Thủy.
- Chương trình “Bánh dân gian và tuổi thơ”, từ 29-4 đến 1-5, tại Quảng trường quận Bình Thủy.
- Chương trình văn nghệ phục vụ khách tham quan, 19h, từ 29-4 đến 1-5 tại Quảng trường quận Bình Thủy.
- Lễ tổng kết và bế mạc, 19h ngày 2-5, tại sân khấu lễ hội Quảng trường quận Bình Thủy.

Chia sẻ bài viết