Dự án “Phát triển mô hình du lịch cộng đồng (DLCÐ) tại TP Cần Thơ” do PGS.TS. Ðào Ngọc Cảnh, Trường Ðại học Cần Thơ, làm chủ nhiệm, được Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức nghiệm thu năm 2020. Dự án đã khái quát được những tiềm năng, thực trạng và đề ra nhiều giải pháp khả thi để phát triển DLCÐ ở TP Cần Thơ hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, PGS.TS Ðào Ngọc Cảnh thông tin:
- TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển DLCÐ. Trong đó, có 3 yếu tố quan trọng là: nguồn tài nguyên du lịch phong phú; sự thân thiện, mến khách của người dân; vị trí địa lý và khả năng tiếp cận của du khách thuận lợi.
Trước hết, TP Cần Thơ có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là sông nước, miệt vườn và văn hóa bản địa. Cần Thơ nằm trên tuyến sông Hậu, lại có sông Cần Thơ bao quanh và nhiều kênh rạch để phát triển du lịch đường sông. Tại TP Cần Thơ có thể hình thành các điểm dừng chân trên tuyến du thuyền quốc tế sông Mekong; đồng thời có thể phát triển các loại hình du lịch sông nước như tham quan các điểm du lịch lân cận ven sông và trên sông, trải nghiệm hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản... Cần Thơ có 2 chợ nổi là Cái Răng và Phong Ðiền. Trong đó, Văn hóa chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được các tạp chí quốc tế bình chọn là một trong những chợ ấn tượng trên thế giới nên đã trở thành điểm du lịch tiêu biểu ở ÐBSCL, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Du lịch văn hóa ở TP Cần Thơ cũng có nhiều tiềm năng dựa trên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều di tích văn hóa, lịch sử ở Cần Thơ có sức hấp dẫn như Ðình Bình Thủy, Nhà cổ Bình Thủy, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Chùa Nam Nhã (Bình Thủy), Chùa Ông, Nhà lồng chợ Cần Thơ (Ninh Kiều), Di tích Giàn Gừa, Di tích Khảo cổ học Nhơn Thành (Phong Ðiền)… Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng có tiềm năng phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống: làng bánh tráng Thuận Hưng, làng đan lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt), làng hoa Bà Bộ (Bình Thủy)… cùng với tiềm năng văn hóa nghệ thuật cổ truyền và văn hóa ẩm thực rất đa dạng.
Một điểm thuận lợi nữa là TP Cần Thơ là đầu mối giao thông cả đường bộ, đường thủy lẫn hàng không nên rất thuận lợi để kết nối với các nguồn khách trong nước và quốc tế. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, những trung tâm hội nghị với cơ sở vật chất hiện đại, có sức chứa lớn phục vụ du lịch cũng là lợi thế cho du lịch Cần Thơ.
Trong những năm qua, TP Cần Thơ đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch. Nghị quyết số 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ “Về đẩy mạnh phát triển du lịch” đã nêu phương hướng: “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành; huy động có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển du lịch; tạo môi trường và hỗ trợ để cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch phát huy thế mạnh đặc trưng sông nước, miệt vườn; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương và tranh thủ cơ hội, tiềm năng trong hội nhập quốc tế về lĩnh vực du lịch”.
Thưa Phó Giáo sư, được biết dự án này đã tập trung nghiên cứu những cách làm thiết thực để phát triển DLCÐ tại cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Ðến nay, dự án đã làm được những công việc gì và thực trạng phát triển DLCÐ ở đây ra sao?
- Trên cơ sở lựa chọn cù lao Tân Lộc để xây dựng mô hình thí điểm phát triển DLCÐ ở TP Cần Thơ, dự án đã triển khai một số công việc chính như điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn, hạn chế của cù lao Tân Lộc trong phát triển DLCÐ. Ðề xuất UBND quận Thốt Nốt thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch phường Tân Lộc. Tổ chức tập huấn cho người dân về kiến thức và kỹ năng DLCÐ. Tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến về mô hình DLCÐ. Thành lập Ban đại diện DLCÐ phường Tân Lộc và các tổ dịch vụ DLCÐ. Hướng dẫn các hộ dân phát triển sản phẩm du lịch và kỹ năng DLCÐ. Hỗ trợ điều kiện vật chất cho DLCÐ như pa-nô, bảng hiệu, nhà vệ sinh công cộng. Thiết kế các tuyến, điểm DLCÐ. Tổ chức tour du lịch thí điểm để lấy ý kiến khách nhằm phát triển dịch vụ và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Sau 2 năm thực hiện, với sự hỗ trợ của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của người dân, dự án đã xây dựng được mô hình DLCÐ, huy động các hộ tham gia phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy sự liên kết giữa cộng đồng với doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn khách. Vì vậy, lượng khách đến du lịch tại cù lao Tân Lộc đã tăng lên rõ rệt, góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống của người dân. Từ đó, dự án đã tạo được niềm tin cho các hộ dân trong DLCÐ, thúc đẩy các hộ khác mạnh dạn tham gia phát triển DLCÐ.
TP Cần Thơ có nhiều dãy đất cồn (cù lao). Từ kinh nghiệm đã triển khai ở cù lao Tân Lộc, Phó Giáo sư có thể chia sẻ những giải pháp để phát triển DLCÐ trên các cù lao nói chung.
- Có thể nói, các cù lao là những “viên ngọc quý” của TP Cần Thơ để phát du lịch. Nhất là trong xu thế hiện nay, du khách muốn tìm về những khung cảnh hoang sơ, những nét văn hóa truyền thống... thì các cù lao càng có sức hấp dẫn để phát triển du lịch. Ngoài cù lao, ở TP Cần Thơ còn các địa bàn có tiềm năng DLCÐ dựa trên các vườn trái cây, nuôi thủy sản, làng nghề và các giá trị văn hóa bản địa.
Khách nước ngoài trải nghiệm bánh dân gian Nam Bộ do các nghệ nhân Cần Thơ thực hiện. Ảnh: DUY KHÔI
Từ kết quả thực hiện mô hình DLCÐ ở cù lao Tân Lộc, dự án đã đề xuất các giải pháp phát triển DLCÐ tại TP Cần Thơ. Ðầu tiên là việc nâng cao nhận thức về DLCÐ cho người dân và các cấp lãnh đạo địa phương. Phát triển nhân lực du lịch thông qua các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ và phong cách phục vụ. Ðẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho du khách đến các địa bàn DLCÐ. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển DLCÐ. Tăng cường liên kết giữa các bên liên quan trong phát triển DLCÐ. Bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch theo quan điểm phát triển du lịch bền vững.
DLCÐ ngoài giá trị kinh tế còn khẳng định vai trò tiếp thị hình ảnh địa phương, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của người dân bản địa. Phó Giáo sư có những chia sẻ gì về điều này?
- Phát triển DLCÐ có ý nghĩa nhiều mặt như tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan và văn hóa bản địa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Ðồng thời, phát triển DLCÐ còn góp phần đẩy mạnh ngoại giao nhân dân thông qua phục vụ khách du lịch quốc tế. Hoạt động này có tính hai chiều. Một mặt, DLCÐ là kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh địa phương và đất nước ra thế giới. Mặt khác, DLCÐ thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế thông qua giao tiếp và nắm bắt tâm lý, thị hiếu của du khách trong quá trình phục vụ du lịch. Nhìn chung, DLCÐ phát triển thì người dân sẽ có ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để duy trì sức hấp dẫn du lịch. Ðồng thời, thông qua con đường giao lưu du lịch, người dân cũng có cơ hội tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư!
ÐĂNG HUỲNH (thực hiện)