12/04/2018 - 20:58

Học văn hóa qua sáng tạo mỹ thuật 

Năm học 2017-2018 này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thi giao lưu sáng tạo mỹ thuật cấp tiểu học. Phong trào được tổ chức sôi nổi tại các trường rồi đến cấp quận và mới đây là hội thi cấp thành phố. Qua những buổi thi, các đội không chỉ thể hiện sự sáng tạo, khéo tay mà còn học được những điều hay về ứng xử và cách làm việc nhóm.

Nhóm khối 1,2,3 của Trường Tiểu học Bình Thủy với mô hình mái trường mến yêu.

Cuối tuần qua, tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (quận Ninh Kiều), 18 nhóm xuất sắc nhất đến từ các trường tiểu học ở 9, quận, huyện (mỗi quận, huyện chọn 2 trường tiêu biểu) đã thi tài tại Hội giao lưu “Sáng tạo sản phẩm Mỹ thuật” cấp thành phố. Theo ông Lê Thanh Long, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT, đây là lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức sự kiện này ở cấp tiểu học, nhằm góp phần đổi mới nội dung, hình thức trải nghiệm sáng tạo của học sinh và giáo viên; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh có dịp giao lưu, học hỏi; phát huy sáng tạo, thể hiện năng khiếu và suy nghĩ, hành động của mình thông qua sáng tác sản phẩm 3D theo chủ đề đã chọn.

Ban tổ chức trang bị cho các nhóm vật liệu để các nhóm sáng tạo ra sản phẩm 3D trên mô hình, khung phối cảnh chung theo chủ đề được bốc thăm. Nhóm khối 1, 2, 3 làm mô hình theo chủ đề “Mái trường mến yêu”, nhóm khối 4, 5 làm mô hình theo chủ đề “Giáo dục an toàn giao thông”. Mỗi nhóm gồm 1 giáo viên và 4 học sinh. Từ những vật liệu đơn giản: giấy màu, giấy bìa cứng, giấy xốp, vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, que gỗ, ống hút, đất nặn, hồ, keo, viết chì, viết lông… qua bàn tay khéo léo của giáo viên và học sinh, từng mô hình được hình thành và hoàn thiện đẹp mắt. Các thành viên trong nhóm hỗ trợ nhau tích cực dù mỗi học sinh được phân công và phụ trách công việc cụ thể. Giáo viên vừa tham gia làm mô hình, vừa chỉ huy, điều hành nhóm sao cho hiệu quả, kịp thời gian. Các em tham gia trật tự, ngăn nắp và tập trung cao độ. Từng hình người, cây cỏ, xe cộ, mái trường… được làm ra rồi ghép lại thành một mô hình hoàn thiện với bố cục, ý tưởng rõ ràng, đẹp mắt.

Ở nhóm khối 1, 2, 3, hàng loạt ngôi trường với những đặc trưng riêng biệt được tái hiện qua các mô hình phong phú, đặc sắc. Trong khi đó, tính sáng tạo và ý nghĩa được nhóm khối 4, 5 phát huy với chủ đề “Giáo dục an toàn giao thông”. Chẳng hạn, chiếc phà chở học sinh mặc áo phao đúng quy định qua sông đến trường, cảnh học sinh chơi đá bóng ngoài đường dễ gây ra tai nạn giao thông, giờ học an toàn giao thông ở sân trường, cảnh người đi bộ qua đường hay các xe lưu thông… được tái hiện sinh động, đa dạng. 

Theo các giáo viên, để có mặt tại hội thi này, mỗi nhóm đã cọ xát và tranh tài ở cấp trường, cấp quận nên đều có sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. Hội thi có 3 chủ đề: “Mái trường mến yêu”, “Giáo dục an toàn giao thông” và “Bảo vệ môi trường”, các nhóm đều có ý tưởng cho mỗi chủ đề và tập luyện. Do đó, khi vào hội thi chính thức, dù bắt thăm trúng chủ đề nào thì các nhóm cũng đều thực hiện thành thục.

Quan trọng nhất, điều mà các học sinh học được ở hội thi là những bài học về ứng xử, tinh thần đoàn kết. Em Phan Ngọc Thuận, học sinh nam lớp 5A2, Trường Tiểu học Trung An 1 (huyện Cờ Đỏ), chia sẻ: “Mỗi lần làm một mô hình theo chủ đề, chúng con được dạy về ý nghĩa của mô hình, của chủ đề đó, như muốn bảo vệ môi trường thì cần phải làm gì, khi đi trên đường phải chấp hành các quy định an toàn giao thông… Rồi các bạn trong nhóm phải biết giúp đỡ nhau để làm tốt hơn, mỗi bạn có thể suy nghĩ, đóng góp ý kiến của mình để mô hình đẹp hơn”. Có thể thấy, ngoài phát huy tính sáng tạo, mỗi học sinh tham gia hội thi còn học được nhiều điều hay trong ứng xử thường ngày, từ đó, giúp các em trưởng thành hơn. “Cho con tham gia những hội thi như vậy từ nhỏ sẽ giúp con học hỏi được nhiều điều bổ ích nên tôi rất ủng hộ” - Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, mẹ em Lê Anh Thơ, lớp 1A3, Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cho biết.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết