(CT)- Ngày 5-8, Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Trường Ðại học Cần Thơ và Tập đoàn Meta đồng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tiềm năng trí tuệ nhân tạo trong bài toán kinh tế - xã hội của ÐBSCL”. Sự kiện này là một phần của “Chương trình Thách thức Ðổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” với chủ đề thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu.
Các diễn giả trao đổi về ứng dụng AI trong phiên tọa đàm.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một xu hướng công nghệ đột phá, mang đến tiềm năng to lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu. Ðối với khu vực ÐBSCL, với những đặc thù về kinh tế, xã hội và môi trường, việc ứng dụng AI không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tại hội thảo, các DN và sinh viên được giới thiệu về tiềm năng và các chiến lược phát triển cho hệ sinh thái AI, nâng cao nhận thức và tạo ra giá trị trong hệ sinh thái AI Việt Nam nói chung và tiềm năng AI trong bài toán kinh tế - xã hội của ÐBSCL. Qua đó góp phần tăng cường kết nối trong toàn hệ sinh thái, thúc đẩy và thu hút các giải pháp AI sáng tạo… Theo các diễn giả, DN ở ÐBSCL có nhiều cơ hội để ứng dụng AI trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Ðể khai thác những tiềm năng từ AI, DN phải thực sự sẵn sàng cho việc ứng dụng AI. Trong đó có nhiều DN đã chủ động chuẩn bị về nguồn nhân lực, thành lập các phòng lab AI hoặc đầu tư vào các dự án nghiên cứu phát triển AI, thay đổi kế hoạch quản lý, vận hành bộ máy hoạt động… Tuy nhiên, DN cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật và cơ chế quản lý… Vì vậy, người dẫn đầu DN cần có tâm thế sẵn sàng ứng dụng AI vào hoạt động của DN mình, xác định những nhu cầu, mong muốn, mục tiêu cụ thể, đầu tư nguồn lực phù hợp để có thể khai thác và ứng dụng sao cho hiệu quả nhất.
Tin, ảnh: MINH HUYỀN