13/03/2009 - 08:47

Hỗ trợ 890 tỉ đồng cho 12 mặt hàng xuất khẩu

* 60 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang Brazil
* 120 doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết: Tới đây sẽ có khoảng 12 mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ trực tiếp vào nhóm nông lâm thủy sản và nhóm hàng công nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Cũng theo Bộ Công Thương, danh sách này tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thủy sản, thịt lợn đông lạnh, rau quả, hàng dệt và may mặc, giày dép các loại, túi xách, vali, mũ, ô dù, sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện máy tính, hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre, cói, thảm, gốm sứ, sản phẩm chất dẻo, dây diện và cáp điện, và các sản phẩm cơ khí bao gồm máy biến thế, động cơ điện, dụng cụ cầm tay, các sản phẩm từ cao su...

Các chuyên gia thương mại cho rằng: Với mức hỗ trợ 40 đồng/USD cho dệt may và 20 đồng/USD cho các mặt hàng khác, dự kiến tổng số tiền hỗ trợ dựa trên kim ngạch xuất khẩu là khoảng 890 tỉ đồng, trong đó, riêng hỗ trợ cho mặt hàng dệt may là 420 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguyên tắc là hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất của một số ngành hàng trên cơ sở khối lượng hàng hóa được tiêu thụ. Như vậy, chỉ những doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa, có tờ khai thực xuất và hóa đơn xuất khẩu mới được hỗ trợ.

* Bộ Công Thương cho biết: Brazil đã có Công văn số No 002/2009 DIPES/DIPOA ngày 12-1-2009 thông báo danh sách 60 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Theo Bộ Công Thương, phía Brazil lưu ý tại Văn bản số No 125/98/DCI/DIPOA, tất cả các doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường Brazil phải làm thủ tục với Cơ quan DIPES/DIPOA, có trụ sở tại Thủ đô Brasilia để thông qua trước đối với nhãn hiệu (rotulos) và thông tin tóm tắt về quy trình sản xuất thủy sản. Tuy nhiên, đến nay mặt hàng thủy sản bọc vỏ cứng như tôm, cua, ghẹ (crustaceo) chưa được phép nhập khẩu vào thị trường Brazil do Văn bản số SDA No 039/1999 Quy định không cho nhập khẩu mặt hàng này.

Quyết định của phía Brazil cho phép 60 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu thủy sản nói trên mở ra cơ hội cho hàng thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra, basa Việt Nam thâm nhập từng bước vào Brazil, một thị trường rộng lớn với hơn 190 triệu người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm thủy sản.

* Ngày 12-3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã công bố kết quả giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam 2008. 120 doanh nghiệp trong cả nước đã đạt danh hiệu này theo các tiêu chí là: lãnh đạo và tiên phong, chất lượng qua khách hàng mục tiêu, năng lực đổi mới doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu, nhân lực, tính ổn định và kết quả kinh doanh. Chương trình Giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 29-3 tới.

Trong số này, nhóm ngành ngân hàng - tài chính - bảo hiểm chiếm đông nhất với các đại diện như: Techcombank, Eximbank, OCB, Sacombank, Pjico, Agribank, BIDV, Vietinbank... Kế đến là nhóm thực phẩm - đồ uống với các tên tuổi như: Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội, Vinamilk, Dầu thực vật Tường An, Yến sào Khánh Hòa, Vissan...

Ban tổ chức chương trình cho biết, trong 2 năm 2009-2010, chương trình tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động gắn bó với doanh nghiệp như tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày, hội thảo nâng cao chất lượng cạnh tranh cho doanh nghiệp, các cuộc tọa đàm nhằm phân tích tình hình kinh tế trong và ngoài nước, cùng những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay...

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết