19/08/2008 - 21:00

Hiệu quả từ những mô hình vay vốn ưu đãi

Đầu tháng 8-2008, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm TP Cần Thơ đã đến các quận, huyện kiểm tra việc thực hiện việc quản lý, sử dụng nguồn vốn Quỹ cho vay giải quyết việc làm (GQVL) TP Cần Thơ. Qua thực tế mô hình sản xuất, kinh doanh của các hộ dân cho thấy, nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL đã góp phần giúp nhiều lao động có điều kiện tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao kinh tế gia đình...

* Từ những mô hình hiệu quả

Tháng 7-2008, 17 hộ dân trong dự án vay vốn nuôi bò, ở ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt phấn khởi nhận vốn vay, từ10 đến 15 triệu đồng/hộ/năm. Các hộ tập trung nuôi bò thịt. Nhà gần nhau, các thành viên dự án sẵn sàng hỗ trợ nhau về mọi mặt, như: hướng dẫn mua bò giống tốt giá thành thấp, cách tiêm ngừa phòng bệnh, cách chăm sóc, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ... để bò tăng trọng, mau lớn, bán được giá và tiếp tục gầy đàn bò khác. Chúng tôi ghé thăm bà Trần Thị Luồi, ở ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt. Anh Kiệt, con trai bà Luồi đang cho bò ăn, vui vẻ nói: “Tui đang nuôi 4 con bò, trong đó có 2 con tui ứng tiền mua khi chưa nhận vốn. Tui chọn mua bò giống ở Tịnh Biên, Bảy Núi, giá 2,6 triệu đồng/con ăn khỏe, chóng lớn”. Đây là vòng vay thứ hai, bà Luồi vay 10 triệu đồng/năm. Đợt trước, bà Luồi bán 4 con bò được 18,5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 10 triệu đồng. Anh Kiệt nói tiếp: “Nuôi bò đỡ lo chi phí thức ăn, chỉ cần siêng đi cắt cỏ tươi ngon là được”. Kinh nghiệm nuôi bò của anh Kiệt là: giữ gìn chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ; ngày siêng tắm rửa, tối nhớ giăng mùng cho bò. Ngoài ra, cần phải liên hệ với cán bộ thú y để tiêm ngừa phòng dịch bệnh cho bò.

Chị Châm, ở ấp Qui Long, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh tận dụng thân cây chuối cho heo ăn, giảm chi phí mua thức ăn. 

Năm 2007, ông Phan Văn Săng vay được 15 triệu đồng vốn, ông mua 2 con bò giống. Sau hơn 1 năm, ông bán 2 con bò, trừ chi phí còn lời được 10 triệu đồng. Ông tiếp tục mua 2 con bò giống khác và tranh thủ nuôi thêm 300 vịt công nghiệp và 600 vịt con. Sau 6 tháng, bầy vịt bắt đầu đẻ trứng, bình quân 180 trứng/đêm. Ông Săng cho biết: “Được vay vốn lãi suất thấp như thế là quí rồi. Tuy không nhiều nhưng cũng giúp chúng tôi trang trải các chi phí cần thiết, khỏi phải lo vay vốn bên ngoài”.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, ở ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành viên dự án vay vốn nuôi cá, cho biết: đợt trước, ông mua 3.000 con cá lóc giống, với giá 350 đồng/con. Để tìm đủ nguồn cá mồi nuôi cá, ngoài việc tranh thủ mua cá sặt, cá lòng tong, các con ông Sỹ còn tìm mua cá biển vụn về xay nhuyễn. Sau 5 tháng nuôi cá, tới kỳ thu hoạch, với tỷ lệ hao hụt khoảng 30%, trừ các khoản chi phí, ông Sỹ còn lời 7 triệu đồng. Đợt này, với số vốn vay 10 triệu đồng từ Quỹ cho vay GQVL và kinh nghiệm tích lũy được, ông Sỹ mua 6.000 con cá lóc giống để tăng thêm thu nhập. Ông Sỹ nói: “Tôi đầu tư vốn nuôi cá 3 năm. 2 năm đầu chưa có kinh nghiệm nên thất bại, năm vừa rồi đã thành công. Năm nay, được vay vốn với lãi suất ưu đãi nên tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Tôi phấn đấu ăn nên làm ra và sẽ hoàn trả vốn lãi đầy đủ cho ngân hàng”.

Hầu hết các mô hình sản xuất, kinh doanh đều phát huy được hiệu quả nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL, đạt giá trị kinh tế, giúp các gia đình ổn định thu nhập, nâng cao kinh tế gia đình, điển hình như: nuôi cá tra giống, cải tạo vườn tạp, nuôi heo sinh sản, sản xuất nước đá, trồng lan, buôn bán nhỏ... Điều dễ nhận thấy qua tiếp xúc với người lao động đang sử dụng nguồn vốn vay là tâm trạng phấn khởi, tận dụng thời gian nông nhàn để tăng thu nhập, giúp nhiều lao động có việc làm. Từ những hiệu quả đó, các hộ đều muốn được tăng nguồn vốn vay, thời gian vay vốn kéo dài, quá trình thẩm định và giải ngân vốn nhanh chóng hơn để các hộ có thể chủ động trong việc quay đồng vốn và hoàn vốn vay đúng hạn.

* Đến vấn đề bức thiết

 Cắt cỏ tươi cho bò ăn là việc làm hàng ngày của anh Kiệt, hộ nuôi bò ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt,
huyện Thốt Nốt.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình mục tiêu việc làm TP Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2008, thành phố đã giải ngân 169 dự án, với số vốn trên 4,9 tỉ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho 2.160 lao động. Tính đến thời điểm cuối tháng 7-2008, tỷ lệ nợ quá hạn là 3,62% (năm 2007, thành phố đã giải ngân 340 dự án, với số vốn 14 tỉ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho 5.300 lao động. Tỷ lệ nợ quá hạn là 5%). Trong đó, huyện Thốt Nốt phát vay trên 1,9 tỉ đồng vốn của 10 dự án, GQVL tại chỗ cho 181 lao động, tỷ lệ nợ quá hạn là 1,3%; quận Ô Môn phát vay gần 1,1 tỉ đồng vốn của 47 dự án, GQVL tại chỗ cho 209 lao động với tỷ lệ nợ quá hạn là 1,57%... Đây là 2 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn so với các quận, huyện khác. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thốt Nốt, với mong muốn giúp người lao động được vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, các ngành chức năng huyện không chỉ quan tâm việc nhanh chóng giải ngân vốn, mà còn rất chú trọng hướng dẫn người lao động cách làm ăn, tập huấn khoa học kỹ thuật để có thể phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế thất thoát, rủi ro, tăng thu nhập gia đình.

Hầu hết các hộ vay vốn làm ăn đạt hiệu quả đều bày tỏ sự phấn khởi khi được vay nguồn vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi (0,65%/tháng). Từ hiệu quả nguồn vốn vay, các quận, huyện đều kiến nghị được tăng thêm nguồn vốn, thời gian vay vốn dài hơn, tạo điều kiện cho nhiều gia đình mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ, nói: “Huyện rất tích cực trong công tác quản lý, thu hồi vốn để có thể đảm bảo nguồn vốn vay hàng năm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhu cầu vay vốn của người dân rất nhiều nhưng nguồn vốn quá ít”.

Trước yêu cầu bức thiết về vốn vay của người lao động, nhiều năm qua, các quận, huyện đều kiến nghị thành phố xem xét phân bổ thêm nguồn vốn hàng năm để hỗ trợ người lao động trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới cho nhiều lao động. Hiện nay, hầu hết các quận, huyện đều “lệ thuộc” hoàn toàn vào tiến độ thu hồi vốn vay của các dự án năm trước. Thu hồi đạt, có vốn sẵn thì mới tiến hành thẩm định hay giải ngân vốn có các dự án vay vốn khác.

Theo Phòng Quản lý Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thời gian qua, nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL của thành phố chủ yếu từ nguồn vốn của Trung ương phân bổ và nguồn vốn thu hồi hàng năm. Mỗi năm, thành phố tiếp nhận khoảng 3,5 tỉ đồng vốn bổ sung của Trung ương và phân bổ cho các quận, huyện (từ 350 đến 400 triệu đồng/đơn vị). Để đảm bảo có nguồn vốn vay liên tục, từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động, các địa phương đã rất tích cực trong việc nhắc nhở, đôn đốc người lao động hoàn vốn, lãi đúng hạn, không để xảy ra tình trạng cho vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn không đúng mục đích, chiếm dụng vốn và nợ quá hạn.

Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng đã đề nghị thành phố bổ sung nguồn vốn địa phương vào Quỹ cho vay GQVL thành phố hàng năm để tăng nguồn vốn vay cho các địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động. Theo kế hoạch, năm 2009, thành phố sẽ bổ sung nguồn vốn vào Quỹ cho vay GQVL TP Cần Thơ. Trước mắt các quận, huyện tiếp tục vận dụng linh hoạt nguồn vốn đang quản lý, giám sát việc sử dụng và thu hồi vốn để sớm giải ngân vốn các dự án mới, từng bước đáp ứng yêu cầu vốn vay cho người dân.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết