30/04/2013 - 22:11

Ðồng Tháp

Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều địa phương đã thực hiện khá nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Bình, huyện Thanh Bình thành lập “Tổ tuyên truyền thực hiện cánh đồng màu” tại ấp Tân Hội và tổ chức đến từng nhà vận động người dân chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến nay, toàn ấp Tân Hội có hơn 90% hộ dân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, được Hợp tác xã Tân Bình hỗ trợ đầu tư trạm bơm điện và nạo vét các kinh, mương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tưới tiêu phục vụ sản xuất. Qua thực tế canh tác, khi chuyển đổi sang trồng rau màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm lúa trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần giúp người dân cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từ đó, xã Tân Bình đã nhân rộng mô hình cho người dân thực hiện, từ trồng lúa chuyển sang trồng màu với các loại cây như: ớt, ngô, khoai cao, mồng tơi...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh từng bước qui hoạch, đầu tư vùng đất trồng màu chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay như cánh đồng chuyên canh màu tại 3 xã Hội An Đông, Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò). Qua 5 năm thực hiện vùng chuyên canh màu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân trong vùng. Đặc biệt, mô hình “Xây dựng vùng màu chất lượng cao và vận động hình thành Tổ chức kinh tế tập thể trong vùng màu” của xã Hội An Đông đã vận động được nông dân tham gia mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau màu, từng bước nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, tiến tới xây dựng vùng sản xuất rau màu chất lượng cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, hiệu quả kinh tế đối với từng vùng, địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho người dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ lựa chọn mô hình sản xuất sao cho “cung vừa đủ cầu” tránh cho người dân “trúng mùa mất giá” và tổ chức sản xuất liên kết với tiêu thụ sản phẩm.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết