11/09/2023 - 06:15

Hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở 

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Qua 10 năm (2014-2023) triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận Thốt Nốt ngày càng đi vào nền nếp, tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đều tăng. Từ đó, kịp thời ngăn chặn các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Hội đồng Tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai phường Thới Thuận, họp bàn hướng giải quyết, trước khi đưa vụ việc ra hòa giải.

Để thực hiện tốt công tác hòa giải, Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể phường. Hòa giải viên của Tổ luôn sâu sát đời sống người dân trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những mâu thuẫn phát sinh. Do đó, trong 10 năm qua, Tổ đã hòa giải thành trên 100 vụ việc, đạt tỷ lệ 82%.

Theo ông Phạm Văn Bưởi, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa 1, khi tiến hành hòa giải một vụ việc tại cơ sở, các hòa giải viên luôn xác định 3 bước cần thực hiện: trực tiếp nắm rõ nội dung, nguyên nhân phát sinh và yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp; kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật và xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản pháp luật có liên quan để vận dụng vào việc giải quyết tranh chấp; hòa giải viên gặp gỡ từng bên tranh chấp để vận động, thuyết phục, kết hợp với việc giải thích pháp luật, để các bên tranh chấp nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Hòa giải viên phải kên trì đối với vụ việc phức tạp, có thể phải tổ chức hòa giải nhiều lần.

Ông Ðoàn Hiếu Lê, Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai phường Thới Thuận, cho biết: “Ðịa phương thường xuyên phổ biến, truyền thông về Luật Hòa giải ở cơ sở. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những nơi có đông dân cư… với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương”.

Nhằm đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào đời sống xã hội, hằng năm, UBND quận Thốt Nốt đều ban hành những văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các phường xem đây là nhiệm vụ quan trọng, phải đặt lên hàng đầu, nhằm góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội. UBND các phường hằng năm đều rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở.

Hiện nay, toàn quận Thốt Nốt có 10 cán bộ, công chức kiêm nhiệm công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, có 1 công chức thuộc Phòng Tư pháp quận và 9 công chức Tư pháp - Hộ tịch các phường giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Quận có 45 tổ hòa giải ở 45 khu vực, với 293 thành viên (mỗi tổ có từ 5-7 tổ viên). Các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ thành phần: bí thư chi bộ, trưởng khu vực, trưởng Ban Công tác Mặt trận, nông dân, phụ nữ, Ðoàn thanh niên, cựu chiến binh và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn. Từ năm 2014 đến nay, toàn quận tiếp nhận và đưa ra hòa giải 3.654 vụ; qua đó, hòa giải thành 3.074 vụ, đạt 84,13%. Nội dung hòa giải thường là tranh chấp ranh đất, hôn nhân gia đình, nợ dân sự…

Theo bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, hầu hết hòa giải viên trên địa bàn quận là những người am hiểu pháp luật, có uy tín trong nhân dân. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên không chỉ bám sát quy định pháp luật mà còn vận dụng phong tục, tập quán, tình làng, nghĩa xóm, chuẩn mực đạo đức để phân tích, hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận và đi đến tự giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. 

“Trong những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận không ngừng phát triển; đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức tôn trọng Hiến pháp, pháp luật. Ngoài ra, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân” - bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết.

Chia sẻ bài viết